Mục lục [Ẩn]
Để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm, xét nghiệm PSA và sinh thiết. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra phương pháp chẩn đoán bệnh mới nhờ một số loại vi khuẩn trong nước tiểu. Vậy cụ thể, phương pháp này là như thế nào?
Nhận biết ung thư tuyến tiền liệt nhờ vi khuẩn trong nước tiểu
Tổng quan bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là 1 tuyến nhỏ nằm ngay dưới bàng quang và bao quanh đoạn đầu niệu đạo. Bộ phận này chỉ có ở nam giới. Nó đảm nhiệm vai trò tiết ra chất dịch lỏng hòa với tinh dịch để tinh trùng phát triển, hoạt động tốt.
Khi các tế bào tuyến tiền liệt phát triển bất thường, mất kiểm soát, khối u ác tính sẽ hình thành, gây ung thư tuyến tiền liệt. Khối u này có thể di căn sang các vùng khác, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết. Chúng khiến người bệnh đau đớn, gặp khó khăn khi đi tiểu, khả năng tình dục bị rối loạn.
Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển rất chậm, ở giai đoạn đầu đa số sẽ không có biểu hiện triệu chứng. Vì vậy, người bệnh thường khó phát hiện. Đến khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh đi thăm khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Theo đó, quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều, tỷ lệ tử vong cũng tăng cao.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt bao gồm thăm khám trực tràng, siêu âm, xét nghiệm PSA, sinh thiết. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra phương pháp chẩn đoán mới cho người bệnh đó là dựa vào các loại vi khuẩn trong nước tiểu.
Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có nhiều cách khác nhau
Nhận biết ung thư tuyến tiền liệt nhờ vi khuẩn trong nước tiểu
Tiến sĩ Rachel Hurst và các cộng sự thuộc Đại học East Anglia (Anh) đã thu thập mẫu nước tiểu từ 318 người ở Anh đang được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hoặc tìm thấy máu trong nước tiểu của họ. Bệnh nhân được theo dõi sức khỏe trong tối đa 6 năm sau khi lấy mẫu. Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu nước tiểu để tìm các loại vi khuẩn và giải trình tự DNA.
Một nghiên cứu khác tiến hành kiểm tra sinh thiết tuyến tiền liệt từ 204 bệnh nhân. Họ theo dõi bệnh nhân trong khoảng 3,5 năm để phát hiện các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, mức độ di căn và tỷ lệ thất bại trong điều trị kháng nguyên đặc hiệu (PSA).
Sau nhiều phân tích khác nhau, các chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ giữa một số vi khuẩn trong cặn nước tiểu và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Kết quả công bố trên tạp chí Tiết niệu, Ung thư học châu Âu (4/2022), có một nhóm gồm 5 chi vi khuẩn liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: Fenollaria, Peptoniphilus, Anaerococcus, Porphyromonas và Fusobacterium.
Theo Tiến sĩ Jenifer Linehan, Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John (Mỹ), có hai giả thuyết về mối liên hệ giữa 5 vi khuẩn này và ung thư tuyến tiền liệt:
- Một là vi khuẩn gây tình trạng viêm, tạo điều kiện cho gốc tự do tiếp xúc với tế bào lành. Chúng tấn công, làm đột biến DNA của tế bào lành.
- Hai là vi khuẩn tiết ra độc tố có thể gây đột biến và tăng sinh quá mức của tế bào ung thư.
Có nhiều chủng vi khuẩn liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt
Tiến sĩ William P. Parker, khoa Tiết niệu, Trung tâm Y tế Đại học Kansas (Mỹ) cũng đưa ra hai khả năng về mối liên hệ trên:
- Vi khuẩn tạo ra một môi trường thích hợp cho quá trình phát triển tế bào ung thư.
- Hoặc sự hiện diện của các tế bào đột biến tạo ra môi trường thích hợp cho những vi sinh vật này sinh sôi.
Dù là giả thuyết nào thì đến nay, các nhà khoa học đã chắc chắn có mối liên hệ giữa ung thư tuyến tiền liệt và các chủng vi khuẩn trong nước tiểu. Trong tương lai, phát hiện này sẽ có khả năng phát triển thành một phương pháp chẩn đoán mới trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Tỷ lệ sống sót sau chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Theo Ủy ban Hỗn hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), bệnh ung thư tuyến tiền liệt được chia thành 4 giai đoạn dựa vào sự phát triển của khối u:
- Giai đoạn 1 và 2: Ung thư tuyến tiền liệt cục bộ. Ở giai đoạn một, khối u nằm ở vị trí ban đầu trong tuyến tiền liệt. Giai đoạn hai, khối u phát triển hơn nhưng chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn 3: Ung thư khu vực. Lúc này, tế bào khối u đã lan từ tuyến tiền liệt đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn 4: Các tế bào đã di căn sang cơ quan khác như gan, xương hoặc phổi…
Hình ảnh khối u trong tuyến tiền liệt
Tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm của ung thư tuyến tiền liệt đối với giai đoạn cục bộ và khu vực là gần 100%. Nếu để bệnh tiến triển nặng, ung thư di căn sang khu vực khác thì tỷ lệ này chỉ còn 31%.
Như vậy, càng phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, khả năng kiểm soát bệnh càng cao. Ngoài việc tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học bao gồm:
- Ăn ít chất béo, ưu tiên thức ăn từ thực vật, chọn cá thay thịt đỏ, tránh thực phẩm chế biến sẵn.
- Tăng cường bổ sung các loại rau củ quả tươi, ăn đa dạng các thực phẩm sạch.
- Uống đủ 1.5 - 2 lít nước lọc mỗi ngày
- Tập thể dục thể thao và phơi nắng thường xuyên
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Như vậy, bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể được nhận biết dựa vào một số chủng vi khuẩn trong nước tiểu. Phát hiện này sẽ góp phần mở ra phương pháp chẩn đoán mới, giúp xác định sớm bệnh ung thư. Qua đó, quá trình điều trị cũng đạt hiệu quả hơn, tăng tỷ lệ sống cho người bệnh.
XEM THÊM:
- Những lưu ý sau khi mổ phì đại tiền liệt tuyến và cách phòng ngừa tái phát
- Bị tiểu són ở nam giới là bệnh gì? Khắc phục ra sao?