Mục lục [Ẩn]
Dưới tác động của biến đổi của khí hậu, các đợt nắng nóng ngày càng trở nên gay gắt và kéo dài hơn, đặc biệt là ở những quốc gia thuộc vùng khí hậu nóng, ẩm như Việt Nam. Cùng với đó, các chuyên gia y tế cũng kêu gọi mọi người cần cảnh giác với những rủi ro của bệnh liên quan tới nhiệt, trong đó, sốc nhiệt là phổ biến nhất.
Những lưu ý giúp bạn phòng tránh sốc nhiệt khi trời nắng nóng
Sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt được định nghĩa là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng trên 40 độ C đi kèm theo các biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn ý thức, hôn mê và co giật.
Con người là động vật hằng nhiệt, tức là nhiệt độ cơ thể luôn duy trì ở mức khoảng 37 độ C dưới tác động của trung tâm điều hòa thân nhiệt nằm ở vùng dưới đồi. Khi cơ thể bị lạnh, trung tâm điều nhiệt sẽ đáp ứng bằng cách thúc đẩy quá trình trao đổi chất và co mạch để tăng thân nhiệt. Ngược lại, khi gặp nóng, cơ thể thải nhiệt bằng cách tăng tiết mồ hôi, giảm trao đổi chất và giãn mạch. Chính vì vậy, dưới tác động của nhiệt độ môi trường, nhiệt độ cơ thể cũng có thể có sự thay đổi nhưng không quá lớn.
Tuy nhiên, nếu con người tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, trung tâm điều nhiệt khi đó không thể cân bằng nổi nhiệt độ của cơ thể, khiến thân nhiệt tăng cao, gây rối loạn các chức năng của cơ thể.
Bình thường, bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ bị sốc nhiệt cao hơn bởi chức năng trung tâm điều nhiệt của họ hoạt động không được tốt như người bình thường hoặc một số điều kiện môi trường, tính chất công việc cũng ảnh hưởng tới quá trình thải nhiệt của cơ thể như:
- Người cao tuổi (>65 tuổi), trẻ em, phụ nữ mang thai, người có điều kiện thể chất yếu
- Người mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh gan (xơ gan, viêm gan, suy gan), ung thư…
- Đang sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể như thuốc an thần, thuốc lợi tiểu điều trị bệnh cao huyết áp…
- Mắc một số bệnh ảnh hưởng đến khả năng tiết mồ hôi như xơ nang
- Người lao động ngoài trời phải tiếp xúc lâu với nắng nóng và trang phục gây cản trở tới quá trình thoát nhiệt: công nhân, nông dân, vận động viên, bộ đội, nhân viên giao hàng…
Làm việc gắng sức dưới nắng nóng dễ bị sốc nhiệt
- Người có thể trạng béo phì
- Người đang bị sốt cao
- Người vốn sinh sống trong điều kiện khí hậu lạnh, không quen với điều kiện nóng bức sẽ dễ bị sốc nhiệt
- Thời tiết nóng ẩm: các nhà khoa học chỉ ra rằng độ ẩm trong không khí cao gây cản trở tới quá trình tiết mồ hôi khiến bạn dễ bị sốc nhiệt hơn những ngày có độ ẩm thấp
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột do sử dụng điều hòa: theo các chuyên gia y tế, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa môi trường và phòng điều hòa là nguyên nhân khiến nhiều người dễ bị sốc nhiệt hơn bởi trung tâm điều hòa nhiệt không thể hoạt động kịp. Do đó, để tránh bị sốc nhiệt, không nên di chuyển đột ngột giữa hai môi trường nhiệt độ chênh lệch mà nên đứng ở cửa phòng một vài phút để cơ thể dần thích nghi với mức nhiệt độ mới
Triệu chứng của sốc nhiệt và cách xử trí
Sốc nhiệt có thể diễn tiến từ từ hoặc rất nhanh khiến chúng ta không kịp để ý. Nếu bạn hoặc bất kỳ ai đó mà bạn thấy có những dấu hiệu sau đây, hãy sơ cứu và gọi sự hỗ trợ của y tế ngay lập tức:
- Thân nhiệt cao (trên 40 độ C)
- Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu
- Da khô và nóng
- Ra nhiều mồ hôi kể cả khi đã ngừng luyện tập hoặc làm việc gắng sức dưới nắng nóng
- Thở nhanh, tim đập nhanh
- Buồn nôn và nôn
- Thay đổi trạng thái tinh thần hoặc hành vi: kích động, nói lắp, mê sảng, co giật, hôn mê. Đây là giai đoạn nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được đưa đi cấp cứu.
Nếu bắt gặp một người đang có dấu hiệu của sốc nhiệt, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, hãy cố gắng làm mát người đó càng nhiều càng tốt bằng các bước sau:
- Di chuyển người bị sốc nhiệt tới một nơi mát mẻ
- Loại bỏ tất cả quần áo không cần thiết
- Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên cơ thể người bị sốc nhiệt, dùng quạt thổi để hạ nhiệt
- Cho họ uống nước mát hoặc nước điện giải để bù nước và chất điện giải nếu họ còn tỉnh và không nôn nhiều
Phòng ngừa sốc nhiệt
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu nhiệt độ môi trường lớn hơn 32 độ C thì bạn nên hạn chế ra ngoài nhiều nhất có thể để phòng tránh sốc nhiệt. Nếu bạn bắt buộc phải ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng, hãy thực hiện theo một số lời khuyên sau đây:
- Nếu mục đích ra ngoài của bạn là tập thể dục, hãy tránh khung giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
- Uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước điện giải để tránh mất nước, điện giải do toát mồ hôi
Cần uống đủ nước để tránh sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng
- Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, sáng màu vì màu sáng sẽ hạn chế hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời
- Luôn che chắn bản thân trong quá trình di chuyển ngoài trời bằng áo chống nắng được thiết kế bởi chất liệu có thể giảm hấp thu nhiệt, che đầu bằng khăn, đội mũ
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, hạn chế ở ngoài quá lâu khi trời nắng nóng
- Tránh uống cà phê, rượu bia trong những ngày nắng nóng vì chúng có thể gây lợi tiểu và khiến bạn mất nước nhiều hơn
- Không được để trẻ em ở lại một mình trong không gian kín, nóng như ô tô đang đậu kể cả khi ô tô vẫn đang bật điều hòa. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến do sốc nhiệt ở trẻ em
- Tập luyện thể dục thể thao để thích nghi dần với mức nhiệt độ của môi trường
Sốc nhiệt là một tình trạng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể cấp cứu và phòng tránh nếu mỗi chúng ta được trang bị đầy đủ kiến thức. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ 1800 1044 (miễn cước) để được giải đáp. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM: