Rối loạn nhân cách chống đối xã hội - Khi bản chất con người trở nên méo mó

Cập nhập: Thứ hai, 27/02/2023

Mục lục [Ẩn]

 

    Thế giới được xây dựng bởi những nguyên tắc và luật lệ, dựa trên các chuẩn mực đạo đức. Điều này sẽ tạo nên một xã hội công bằng, văn minh, nơi tất cả mọi người được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội hoàn toàn đi ngược lại với những điều trên. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này nhé!

 

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội - Khi bản chất con người trở nên méo mó

 

Dấu hiệu nhận biết đối tượng rối loạn nhân cách chống đối xã hội

   Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder - ASPD) là một bệnh tâm thần thuộc rối loạn nhân cách nhóm B. Theo ước tính, khoảng 1 – 3.6% dân số mắc chứng rối loạn nhân cách này. Trong đó, nam giới có tỷ lệ mắc cao gấp 3 lần nữ giới.

   Đây là dạng rối loạn nhân cách nguy hiểm nhất trong số các tình trạng rối loạn nhân cách. Người bệnh có xu hướng gây hại đến người khác, đem lại sự bất ổn. Họ có nguy cơ phạm tội rất cao và đa phần đều trở thành tù nhân.

   Dấu hiệu nhận biết 1 người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể kể đến như:

Những biểu hiện về tâm lý

   Biểu hiện tâm lý dễ thấy nhất của những người mắc chứng bệnh này là không quan tâm đến người khác, cũng như các chuẩn mực đạo đức hay pháp luật. Thái độ khinh thường, bất chấp của họ được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, từ lời nói, đến hành động. Họ có tính cách bốc đồng, hung hăng, thích gây hấn, nóng nảy và dễ tức giận.

    Cùng với đó, người bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội hoàn toàn không có sự đồng cảm, cảm thông thấu hiểu với nỗi đau của người khác. Họ lạnh lùng, thờ ơ, thậm chí sẵn sàng làm tổn thương đến cảm xúc của người khác. Đối với người bệnh, lương tâm gần như là thứ không tồn tại.

Những biểu hiện về hành vi

   Chính sự méo mó về tâm lý khiến cho người rối loạn nhân cách chống đối xã hội thực hiện một loạt hành vi sai lệch, vô trách nhiệm, thậm chí là nguy hiểm mà không lường trước hậu quả. Họ thường xuyên quấy rối, làm phiền, dối trá, lừa đảo, ăn cắp, ăn trộm, phá hoại, bóc lột, thậm chí cưỡng bức người khác.

   Họ có thể thực hiện những hành vi thao túng, lợi dụng người khác nhằm đạt được mục đích của bản thân về tiền bạc, quyền lợi và cả tình dục. Cũng chính vì điều này, họ thường thể hiện bản thân là một người quyến rũ bằng cách trau chuốt vẻ bề ngoài, tỏ ra hiểu biết, giao tiếp linh hoạt, tự tin, dí dỏm,... Tuy nhiên, bạn sẽ thấy ở họ một sự kiêu ngạo, ngoan cố và không lắng nghe ai bao giờ.

   Khi bị chỉ trích về hành vi, người bệnh sẽ lấy lý do nhằm hợp lý hóa hành vi của bản thân. Họ đổ lỗi, cho rằng người khác xứng đáng phải chịu trừng phạt, hay cuộc sống không công bằng, còn bản thân phải có được những thứ tốt nhất,…

   Cũng vì điều này, người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có xu hướng dùng rượu bia, chất gây nghiện, quan hệ tình dục không an toàn. Họ có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh tật, bao gồm cả các bệnh xã hội. Nguy cơ chấn thương, tử vong ở họ cũng cao hơn người khác do đua xe, các hành vi gây hấn và quá khích với những thành phần tệ nạn khác trong xã hội.

 

hành vi trộm cắp, phạm pháp

Người mắc ASPD thường xuyên có hành vi trộm cắp, phạm pháp

 

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì?

  Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp ở người thuộc tầng lớp kinh tế – xã hội thấp; gia đình có người bị rối loạn nhân cách; nghiện rượu và mắc các vấn đề tâm thần.

   Cũng như các tình trạng rối loạn nhân cách khác, các chuyên gia đều cho rằng, người mắc chứng ASPD là do sự thay đổi một số yếu tố sinh học – thần kinh và ảnh hưởng đến từ môi trường. Theo đó, các yếu tố có thể gây ra rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể kể đến như:

Thay đổi bất thường ở não bộ

   Các nghiên cứu cho thấy, rối loạn nhân cách chống đối xã hội có dấu hiệu của di truyền. Người mắc ASPD phần lớn đều có tiền sử gia đình cũng mắc căn bệnh này. Bên cạnh đó, một số tình trạng bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ mắc ASPD như: tiền sử viêm não, chấn thương sọ não và tổn thương não do biến chứng chu sinh.

   Người bệnh ASPD thường có những tổn thương ảnh hưởng đến vùng não ở thái dương và vùng trán khiến cho chức năng vận chuyển serotonin bị rối loạn. Một số trường hợp còn bị giảm hoạt động tại hạch hạnh nhân - bộ phận kiểm soát sự sợ hãi. Chính điều này khiến bệnh nhân ASPD gần như không biết sợ hãi, dễ kích động, và thích gây gổ,…

Yếu tố môi trường

   Rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng có thể hình thành ở những đứa trẻ đã từng bị chấn thương tâm lý. Các chuyên gia nhận thấy, những đứa trẻ có cha mẹ hung hăng; hoặc thường xuyên đánh đập, bạo hành, ngược đãi; sống trong điều kiện tù túng, hà khắc, bị lạm dụng hoặc bỏ rơi từ nhỏ,... thường có nguy cơ mắc ASPD cao hơn.

Đặc điểm tính cách

   Cũng giống với các loại rối loạn nhân cách khác, tính cách riêng biệt của từng cá nhân cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Các thống kê cho thấy, đa phần người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều có tính ích kỷ, thích bắt nạt, hay ngược đãi người khác, hoặc là động vật,...

 

ngược đãi động vật

ASPD có thể hình thành ở những người thường xuyên ngược đãi động vật

 

Mắc các bệnh lý tâm thần

   Như đã nhắc tới, rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường xảy ra ở người có biểu hiện rối loạn hành vi, thách thức, chống đối, rối loạn tăng động giảm chú ý trước 15 tuổi,… Ngoài ra, người bị rối loạn lo âu, trầm cảm cũng có nguy cơ phát triển trạng thái nhân cách bất thường này.

 

Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội bằng cách nào?

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội không chỉ là tình trạng nguy hiểm nhất, mà còn khó điều trị nhất so với các dạng rối loạn nhân cách khác. Cũng chính vì sự nguy hiểm của người bệnh, mà hầu hết các bác sĩ đều khuyến khích gia đình cho bệnh nhân điều trị nội trú lâu dài.

   Hiện nay, các phương pháp được sử dụng để điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể kể đến như:

Điều trị tâm lý

    Cũng như các rối loạn nhân cách khác, điều trị tâm lý là ưu tiên hàng đầu, giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người bệnh ASPD. Liệu pháp này tập trung vào việc giúp bệnh nhân hiểu rõ suy nghĩ, nhận thức của bản thân là sai lầm.

   Chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng sức răn đe của luật pháp để người bệnh biết được hậu quả từ các hành vi, từ đó giảm thiểu việc phạm pháp và các quy chuẩn đạo đức, xã hội.

   Tuy nhiên, với thái độ coi thường, thiếu tin tưởng và không hợp tác, tiên lượng của việc điều trị vẫn rất xấu. Khoảng 90% người bệnh đến phòng khám đều do cưỡng chế, và 70% bỏ dở điều trị vì không tin rằng bản thân mắc bệnh và coi thường lời nói của bác sĩ.

   Trong trường hợp người bệnh chấp nhận điều trị và ổn định, các chuyên gia sẽ hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để kiểm soát cơn giận dữ, nóng nảy và sự hung hăng. Ngoài ra, tâm lý trị liệu cũng giúp cải thiện các triệu chứng do những rối loạn tâm thần đi kèm.

    Để mang lại hiệu quả cao nhất, người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm nhất có thể, cùng với đó là gia đình nên bày tỏ sự quan tâm, và chia sẻ với họ.

 

Điều trị tâm lý

Điều trị tâm lý vẫn là ưu tiên hàng đầu với người bệnh ASPD

 

Sử dụng thuốc

   Trên thực tế, không có loại thuốc nào mang lại hiệu quả với các triệu chứng do rối loạn nhân cách chống đối xã hội gây ra. Tuy nhiên, họ có thể được chỉ định thuốc nhằm giảm tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm; và kiểm soát các hành vi hung hăng, đe dọa đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.

   Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân ASPD gồm có:

  • Thuốc chống co giật: Valproat, Lithium.
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs).
  • Thuốc an thần.

  Tuy nhiên, các loại thuốc này dễ gây ra tình trạng phụ thuộc, lạm dụng, do đó cần được sử dụng hợp lý.

Điều trị tại nhà

   Trong các trường hợp bệnh còn nhẹ, hoặc là trẻ em thì người bệnh có thể được điều trị ngoại trú. Lúc này, sự hỗ trợ từ gia đình là điều vô cùng cần thiết với người bệnh.

  • Hãy thường xuyên động viên người bệnh kiên trì điều trị.
  • Giảm thiểu tối đa mâu thuẫn, xung đột trong gia đình.
  • Tạo môi trường sống lành mạnh giúp người bệnh giảm thiểu hành vi hung hăng, đe dọa đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.

  Cùng với đó, những người sống chung với người bệnh cũng cần tham gia trị liệu khi cần thiết. Điều này nhằm mục đích tránh những tác động tiêu cực từ người bệnh, đồng thời học cách chủ động bảo vệ bản thân, trẻ em và người già trong gia đình khỏi các hành vi thiếu lương tâm của người bệnh.

   Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà