Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Cập nhập: Thứ bảy, 03/06/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tạo ra nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần biết về bệnh cường giáp, mời các bạn đón đọc.

 

Bệnh cường giáp là gì?

Bệnh cường giáp là gì?

 

Bệnh cường giáp là gì?

   Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, nằm phía trước cổ, ngay dưới thanh quản và trên xương ức. Hormon tuyến giáp đóng vai trò chính trong chuyển hóa, tăng trưởng và phát triển cơ thể.

   Cường giáp là hội chứng mà tuyến giáp của bệnh nhân hoạt động quá mức. Từ đó, nó sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể và làm tăng nồng độ hormon tuyến giáp trong máu.

 

Nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp

   Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh cường giáp:

  • Bệnh Basedow: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Basedow là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp và kích thích sản xuất quá mức hormone tuyến giáp. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ có độ tuổi từ 20-50 tuổi.
  • Nhân tuyến giáp hoạt động quá mức: Đây là bộ phận điều chỉnh sự hoạt động của tuyến giáp. Nếu các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, chúng có thể khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, dẫn đến cường giáp. Loại cường giáp do nguyên nhân này thường lành tính.
  • Viêm tuyến giáp: Tuyến giáp bị viêm gây tổn thương cấu trúc các nang tuyến giáp bình thường dẫn đến rò rỉ hormone tuyến giáp ra ngoài.
  • Tăng tiêu thụ iod: Tuyến giáp cần iod để sản xuất hormone. Nếu bạn ăn quá nhiều iod, tuyến giáp có thể sản xuất quá nhiều hormone. Từ đó khiến bạn có nguy cơ bị cường giáp.

 

Bệnh cường giáp có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng bệnh cường giáp bao gồm:

  • Hồi hộp đánh trống ngực: Bệnh nhân cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực. Ngoài ra, họ có thể cảm thấy đau ngực, khó thở khi xúc động hoặc làm việc gắng sức.
  • Sợ nóng: Người bệnh cảm giác sợ nóng, da nóng. Nguyên nhân là do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường. Do vậy, người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.
  • Tiêu chảy: Bệnh nhân thường bị tiêu chảy không kèm đau quặn. Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể do nhu động ruột tăng thường xuyên.
  • Run tay: Run ở đầu ngón tay là một triệu chứng thường gặp ở bệnh cường giáp. Bệnh nhân không thể tự kiểm soát cơn run và thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ.
  • Bướu cổ: Triệu chứng này do tuyến giáp bị phì đại.
  • Sụt cân: Người bệnh cường giáp thường bị sụt cân dù ăn vẫn bình thường hoặc có khi ăn khỏe. Họ có thể sụt nhiều kilogram trong vòng 1 tháng.
  • Ra mồ hôi nhiều: Người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi, thậm chí cả khi chỉ ngồi yên một chỗ.
  • Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng.
  • Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.
  • Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.

 

Biến chứng bệnh cường giáp

 

Lồi mắt là biến chứng có thể gặp ở bệnh cường giáp.

Lồi mắt là biến chứng có thể gặp ở bệnh cường giáp.

 

Nếu cường giáp không được phát hiện, điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm:

  • Tim mạch: Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Có thể dẫn đến sự hình thành và phát triển của các cục máu đông, suy tim, các vấn đề tim mạch khác…
  • Loãng xương: Hormon tuyến giáp hoạt động quá mức làm cản trở hoạt động của canxi và xương. Vì thế bệnh nhân dễ bị loãng xương, yếu xương, dễ gãy xương.
  • Bất thường mắt: Bệnh nhân bị lồi mắt, mắt sưng và đỏ, nhạy cảm ánh sáng, nhìn mờ, nhìn đôi và nặng nề nhất là mù.
  • Bão giáp: Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong. Khi hormone tuyến giáp quá lớn, những triệu chứng bệnh kể trên sẽ đột ngột biến đổi nặng nề hơn. Lúc này, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu y tế kịp thời cũng như điều trị đúng nguyên nhân.

 

Phương pháp điều trị bệnh cường giáp

Mục đích của việc điều trị:

  • Đưa lượng hormone tuyến giáp trở lại bình thường để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe lâu dài.
  • Giảm các triệu chứng khó chịu do tình trạng gia tăng hormon giáp trong máu gây ra.

Có 3 phương pháp điều trị cường giáp:

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta có tác dụng giúp giảm triệu chứng bệnh cường giáp. Người bệnh cảm thấy đỡ hẳn các triệu chứng như run, tim đập nhanh và lo lắng sau khi dùng. Bác sĩ thường kê kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
  • Thuốc kháng giáp: Thuốc có tác dụng ngăn chặn khả năng tạo ra hormone mới của tuyến giáp. Các loại thuốc này có tác dụng kiểm soát tốt tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và không gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến giáp. Methimazole hiện được ưa chuộng hơn do ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.

Liệu pháp iod phóng xạ

   Đây là phương pháp điều trị bệnh cường giáp trong trường hợp:

  • Điều trị nội khoa không có hiệu quả.
  • Người bệnh trên 40 tuổi có bướu giáp không lớn lắm.
  • Tái phát sau phẫu thuật.
  • Người bệnh bị suy tim nặng.

   Liệu pháp iod phóng xạ là cách điều trị phổ biến và hiệu quả với bệnh cường giáp. Iod phóng xạ từ từ phá hủy các tế bào tuyến giáp sản xuất hormone mà không gây ảnh hưởng đến các mô khác của cơ thể.

  Kết quả là tuyến giáp hoặc nhân giáp thu nhỏ kích thước. Từ đó dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp trong máu trở lại bình thường. Đôi khi bệnh nhân vẫn bị cường giáp, nhưng thường ở mức độ nhẹ hơn trước.

   Khá nhiều trường hợp sau khi điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ đều bị suy giáp sau đó. Sự sụt giảm lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể có thể chỉ là tạm thời nhưng đôi khi cũng có thể là vĩnh viễn. Điều này dễ dàng được điều chỉnh bằng hormone tuyến giáp tổng hợp nhân tạo như levothyroxin.

Phẫu thuật

   Phương pháp phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp:

  • Bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.
  • Điều trị nội khoa hiệu quả kém, hay tái phát.
  • Bướu giáp quá to.
  • Basedow ở trẻ em.
  • Phụ nữ có thai và trong thời gian cho con bú không thể dùng thuốc kháng giáp.
  • Không có điều kiện điều trị nội khoa.

   Thông thường, phẫu thuật tuyến giáp sẽ cắt một phần tuyến giáp. Trong một số trường hợp sẽ cần cắt gần như toàn bộ tuyến giáp. Sau khi tuyến giáp được cắt bỏ, nguồn gốc gây bệnh không còn nữa và bệnh nhân có thể sẽ chuyển sang mắc suy giáp. Khi đó, người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị tuyến giáp trong suốt cuộc đời.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh cường giáp. Cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Do vậy, khi gặp các dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà