Mục lục [Ẩn]
Loãng xương là một bệnh lý rất phổ biến ở những người có tuổi và đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người thường không để ý đến căn bệnh này cho đến khi nó đã trầm trọng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày. Vậy bệnh loãng xương là gì? Bài viết sau đây sẽ tổng hợp tất cả những điều cơ bản bạn nên biết về căn bệnh này. Xin mời cùng tham khảo!
Bệnh loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là tình trạng đặc trưng bởi việc mật độ xương ngày càng suy giảm, xương liên tục mỏng dần khiến cho xương giòn hơn, yếu hơn, dễ bị gãy ngay cả khi mới chỉ bị tác động nhẹ.
Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm
Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ xương nào, nhưng thường gặp và nghiêm trọng nhất vẫn là các xương dài và chủ chốt như xương cột sống, xương đùi, xương cánh tay,... Nhiều trường hợp xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, hầu hết phải phẫu thuật với chi phí tốn kém.
Bệnh loãng xương là kiểu bệnh thường có tiến triển thầm lặng. Đa số người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi bị gãy xương.
Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi trẻ, cơ thể chúng ta sản sinh xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương tăng lên. Xương sẽ đạt khối lượng và mật độ cao nhất vào khoảng độ tuổi 20. Sau đó khi càng có tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn xương được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương.
Bệnh loãng xương được chia thành 2 loại chính dựa theo nguyên nhân gây bệnh đó là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
Loãng xương nguyên phát
Với những trường hợp loãng xương nguyên phát thì cơ chế gây bệnh chính là do sự lão hóa (hay có thể hiểu là do vấn đề tuổi tác) và tình trạng mãn kinh ở nữ giới bước vào độ tuổi trung niên. Cụ thể như sau:
- Loãng xương nguyên phát type 1: Loại loãng xương thường gặp nhất, bắt nguồn từ sự lão hóa. Khi bước sang độ tuổi 35, xương bắt đầu yếu đi. Lúc này xương bị phá vỡ nhanh hơn so với việc xây dựng lại. Khi đó cơ thể liên tục hấp thụ mô xương cũ làm nguồn nguyên liệu tạo ra xương mới để duy trì mật độ, sức mạnh và tính toàn vẹn cấu trúc của xương. Điều này càng đẩy chúng ta tới gần với “bờ vực” loãng xương nhanh hơn.
Loãng xương do suy giảm hormone sinh dục ở phụ nữ sau mãn kinh
- Loãng xương nguyên phát type 2: Bắt nguồn từ nguyên nhân suy giảm hormone sinh dục. Loại loãng xương ảnh hưởng đến cả nam và nữ nhưng nó có khả năng xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ sau khi mãn kinh do sự giảm đột ngột của estrogen. Khi đến 50 tuổi, 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới có nguy cơ gãy xương do loãng xương.
- Yếu tố di truyền cũng quyết định đến khả năng bị bệnh loãng xương. Các nhà khoa học cho rằng yếu tố di truyền quyết định mạnh mẽ đến mật độ xương. Nếu trong gia đình có người thân bị chẩn đoán gãy xương hông hoặc loãng xương thì khả năng bạn bị loãng xương cũng cao hơn. Người da trắng và người châu Á có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn các dân tộc khác.
Loãng xương thứ phát
Bệnh lý loãng xương loại này bắt nguồn từ lối sống của bệnh nhân hoặc đôi khi từ các bệnh lý khác, một số loại thuốc,…
- Lười vận động, thường xuyên căng thẳng stress, ăn uống thiếu dưỡng chất cần thiết cho xương,… sẽ khiến xương thoái hóa nhanh và sớm hơn, dẫn đến loãng xương.
- Bệnh lý: Bệnh cường giáp, cường cận giáp, một số bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp), rối loạn tuyến thượng thận, rối loạn tuyến yên, vấn đề rối loạn hấp thụ khoáng chất, hội chứng Cushing,… đều có thể ảnh hưởng đến việc sản sinh xương mới, gây loãng xương.
- Các loại thuốc làm tăng nguy cơ: glucocorticoid và corticosteroid, bao gồm prednisone và prednisolone, hormone tuyến giáp; thuốc chống đông máu và chất làm loãng máu ( heparin và warfarin), thuốc ức chế bơm protein (PPI) và các thuốc kháng axit khác có ảnh hưởng xấu đến tình trạng hấp thu và sử dụng khoáng chất. Một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu thiazid, thiazolidinediones cũng cần được lưu ý vì chúng làm giảm sự hình thành xương.
- Một số tác nhân ức chế miễn dịch, chẳng hạn như cyclosporin, làm tăng cả quá trình hủy và giảm quá trình hình thành xương. Chất ức chế aromatase làm suy giảm hormone sinh dục cũng tiềm ẩn nguy cơ.
- Đặc biệt, loãng xương do glucocorticoid là loại loãng xương phổ biến nhất bắt nguồn từ yếu tố nguy cơ sử dụng thuốc.
Các biểu hiện của bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương khi mới bắt đầu thường không có dấu hiệu rõ ràng. Bệnh nhân nếu không đi khám, làm các xét nghiệm liên quan thì đa số sẽ không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các chấn thương nhỏ như té ngã, va đập,... Hãy đặc biệt lưu ý tới các triệu chứng có thể quan sát của loãng xương như sau:
Triệu chứng bệnh loãng xương
- Giảm mật độ xương: Tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.
- Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Người bệnh sẽ có cảm giác mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức như bị kim chích toàn thân.
- Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: Tình trạng này làm ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.
- Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp…
Chẩn đoán bệnh loãng xương
Do loãng xương là bệnh lý tiến triển âm thầm, hầu như không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi có biến chứng nên chẩn đoán loãng xương chủ yếu dựa vào phương pháp đo mật độ xương, trong đó phương pháp DEXA là ưu tiên số một theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Đối với người trên 50 tuổi, nên đo mật độ xương nếu:
- Bị gãy xương
- Có các yếu tố nguy cơ lâm sàng của loãng xương: tiền sử gia đình, bệnh kèm theo, sử dụng thuốc có nguy cơ loãng xương, uống rượu, hút thuốc lá, thể trạng thấp bé,…
- Chụp X-quang có hình ảnh tăng thấu quang, xẹp đốt sống.
Đối với người dưới 50 tuổi, nên đo mật độ xương nếu:
- Gãy xương sau chấn thương, té ngã, va đập nhẹ.
- Suy sinh dục hoặc mãn kinh sớm (<45 tuổi)
- Mắc hội chứng kém hấp thu.
- Sử dụng glucocorticoid kéo dài.
- Sử dụng các thuốc có nguy cơ cao khác.
- Cường cận giáp nguyên phát.
Các xét nghiệm chẩn đoán loãng xương thường sử dụng bao gồm:
- Nghiệm pháp đánh giá mật độ xương: Đo loãng xương hoặc đo mật độ xương (Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật dùng tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) hoặc chụp CT để xác định hàm lượng canxi, các khoáng chất có trong xương. Các khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, xương hông hay xương cẳng tay. Mục đích thực hiện của phương pháp chẩn đoán này là phát hiện các vấn đề về loãng xương (xương mỏng, yếu), mất xương (giảm khối lượng xương).
Nghiệm pháp đánh giá mật độ xương bằng tia X
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Ngoài đo loãng xương, bác sĩ cũng có thể đề xuất người bệnh thực hiện xét nghiệm các chỉ số sinh hóa của máu và nước tiểu. Các xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra lượng nội tiết tố và tìm kiếm những nguy cơ làm tăng sự mất xương như tình trạng thiếu hụt các loại vitamin hay khoáng chất trong cơ thể.
Điều trị bệnh loãng xương
Để điều trị tốt cũng như phòng tránh các hậu quả của bệnh loãng xương, bạn cần lưu ý một số mặt dưới đây.
Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh loãng xương nên có chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tiến triển, hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh loãng xương cần phải đảm bảo đủ lượng vitamin, khoáng chất, canxi. Ưu tiên chọn các nguyên liệu thực phẩm tươi sạch.
Khi chăm sóc người bệnh lớn tuổi, người nhà nên nghiền nhỏ thức ăn, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày.
Ngoài ra, người lớn tuổi thường khó hấp thụ dưỡng chất bởi hệ tiêu hóa đã bị lão hóa. Vì thế, người nhà có thể trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung thêm cho họ thông qua sử dụng các giải pháp khác như thuốc bổ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe,...
Tăng cường vận động và tắm nắng
Người bệnh loãng xương khi tập thể dục nên lưu ý khởi động trước khi tập và thư giãn cơ thể sau khi tập. Trước khi tập, bạn cần khởi động khoảng 10 – 15 phút với các động tác đơn giản như đứng lên ngồi xuống, chạy bộ tại chỗ. Sau khi tập, người bệnh hãy thư giãn cơ thể khoảng 5 – 10 phút bằng cách thả lỏng toàn thân kết hợp hít thở sâu.
Ngoài ra, người bệnh cao tuổi nên tránh những bài tập có lực tác động mạnh lên xương, đặc biệt là các bài tập thay đổi tư thế đột ngột.
Người bệnh nên tắm nắng 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày, trước 9h sáng để tăng cường hấp thu vitamin D giúp xương chắc khỏe.
Vận động nhẹ nhàng, thường xuyên
Phòng tránh té ngã
Té ngã là tình huống vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh loãng xương. Vì thế, trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần lưu ý:
- Hạn chế ra ngoài một mình, không di chuyển trên nền đất trơn trượt, nhiều đá, sỏi, gập ghềnh.
- Đảm bảo tất cả các khu vực trong nhà luôn có đủ ánh sáng.
- Sàn nhà nên khô ráo, sạch sẽ, gọn gàng. Có thể dùng thảm hay làm sàn gỗ để tránh trơn trượt, hạn chế nguy cơ té ngã cho người bệnh.
- Lắp thêm tay vịn ở cầu thang hay nhà tắm. Người nhà nên ở bên cạnh người bệnh để hỗ trợ di chuyển đi lên xuống cầu thang hay khi có việc cần thiết.
- Người bệnh nên đi giày có đế ma sát tốt để chống trượt.
- Người bệnh cao tuổi nên cẩn trọng khi dùng những loại thuốc có tác dụng gây hoa mắt, chóng mặt vì có thể ảnh hưởng tới vận động, dễ gây té ngã.
Sử dụng thuốc
Khi điều trị loãng xương, người bệnh cần bổ sung đủ lượng canxi khoảng 1.000 – 1.200 mg/ngày và lượng vitamin D cần thiết khoảng 800 – 1000 IU/ngày cho cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc ngăn ngừa và điều trị loãng xương như:
- Bisphosphonates: giúp làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.
- Thuốc chủ vận hoặc đối kháng estrogen: còn gọi những chất điều biến thụ thể estrogen, có thể làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh.
- Calcitonin (Calcimar, Miacalcin): giúp ngừa gãy xương cột sống ở phụ nữ sau mãn kinh và kiểm soát cơn đau sau khi gãy xương.
- Hormone tuyến cận giáp, chẳng hạn như teriparatide (Forteo): Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt hormone này để điều trị những người có nguy cơ gãy xương cao vì nó kích thích sự hình thành xương.
- Kháng thể đơn dòng (denosumab, romosozumab): là liệu pháp miễn dịch điều trị cho một số người bị loãng xương sau khi mãn kinh.
Người bệnh nên duy trì tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình, đi kiểm tra lại mật độ xương định kỳ để đánh giá kết quả điều trị. Điều này sẽ giúp đánh giá tiến triển của bệnh và khả năng đáp ứng với điều trị. Quá trình điều trị loãng xương có thể kéo dài khoảng 3 – 5 năm. Sau đó, bác sĩ sẽ cần đánh giá lại tình trạng bệnh để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh loãng xương, biết cách chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị hiệu quả để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu có băn khoăn nào khác, bạn có thể gọi điện tới tổng đài 1800 1044 (miễn cước) để được tư vấn thêm.
XEM THÊM: