Mục lục [Ẩn]
Vảy nến là một bệnh lý về da liễu khá phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 3% dân số trên thế giới. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng nhưng lại khó điều trị, dễ tái phát và gây mất thẩm mỹ cho người mắc phải. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu những thông tin về cách nhận biết và điều trị bệnh vảy nến.
Bệnh vảy nến: Cách nhận biết và điều trị hiệu quả
Bệnh vảy nến là gì? Cách nhận biết vảy nến
Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, bệnh thường xuyên xuất hiện trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng, sau đó các triệu chứng tự động thuyên giảm và biến mất trong một khoảng thời gian.
Cơ chế gây vảy nến đó là sự quá sản của tế bào sừng thượng bì kết hợp với sự viêm của lớp thượng bì và trung bì. Các tế bào tái tạo da hoạt động nhanh hơn mức bình thường khoảng 10 lần, dẫn tới tích tụ và tạo thành những vảy có màu sắc óng ánh ngay trên bề mặt da.
Vảy nến gồm nhiều thể khác nhau, mỗi thể lại có những dấu hiệu đặc trưng giúp người bệnh nhận biết.
- Vảy nến thể mảng: đây là dạng phổ biến nhất tạo ra các vùng da viêm, đỏ, được bao phủ bởi các lớp vảy hoặc mảng bám có màu bạc trắng. Các vùng da bị ảnh hưởng của thể này là vùng da ở đầu gối, khuỷu tay và da đầu.
- Vảy nến thể giọt: gây các đốm da nhỏ có màu hồng. Vị trí da thường bị ảnh hưởng bao gồm da ở phần thân, cánh tay và chân. Các đốm vảy nến của thể giọt thường không dày và ít nổi lên trên bề mặt da như thể mảng.
- Vảy nến thể mủ: đây là trường hợp khá hiếm gặp, thường chỉ xuất hiện ở người trưởng thành. Nó khiến da xuất hiện các bọc mủ trắng, thường ở da bàn tay, bàn chân.
- Vảy nến thể đảo ngược: gây ra những vết màu đỏ óng ánh, thường xuất hiện tại các vùng nách, ngực, háng, xung quanh các nếp da gấp của bộ phận sinh dục.
- Vảy nến thể đỏ da toàn thân: làn da người bệnh trông như bị cháy nắng, các vùng da bị bong tróc theo mảng lớn. Người bệnh có thể đi kèm sốt và ốm nặng. Tuy nhiên đây là dạng hiếm gặp nhất.
- Viêm khớp vảy nến: gây sưng, đau khớp, cứng khớp và có thể dẫn tới tổn thương khớp.
- Vảy nến móng: ảnh hưởng tới móng tay, móng chân, gây biến dạng hoặc đổi màu móng. Đây là nguyên nhân khiến móng bị lỏng và rụng.
Một số thể vảy nến tiêu biểu
Nguyên nhân gây vảy nến
Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu nhưng nguyên nhân và cơ chế chính xác gây vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều thống nhất có 2 yếu tố có thể gây bệnh và một loại yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tái phát.
Hệ miễn dịch
Yếu tố đầu tiên được các nhà khoa học công nhận đó là cơ chế tự miễn của cơ thể. Ở bệnh vảy nến, một loại tế bào bạch cầu là lympho T được cho là đã tấn công nhầm vào các tế bào da của cơ thể trong khi nhiệm vụ chính của nó đúng ra phải là tấn công và phá hủy các vi khuẩn, virus.
Sự tấn công nhầm của tế bào lympho T khiến các tế bào da bị tổn thương, dẫn tới các tế bào này sản xuất quá nhiều, chồng chất lên nhau và đẩy lên khỏi bề mặt da.
Yếu tố di truyền
Nếu cả bố mẹ đều mắc vảy nến, nguy cơ cho đứa bé mắc bệnh là 50%. Nghiên cứu trên các cặp song sinh cũng cho thấy là có tới 72% trường hợp cùng mắc bệnh nếu là sinh đôi cùng trứng so với 22% nếu là sinh đôi khác trứng.
Các yếu tố thúc đẩy bệnh vảy nến tái phát
Những yếu tố dưới đây được coi là tác nhân thúc đẩy bệnh vảy nến tái phát:
- Nhiễm trùng: ví dụ như viêm họng do liên cầu hoặc nhiễm trùng da. Khi bị nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch quá tải, dẫn tới một đợt bùng phát của bệnh vảy nến
- Sử dụng đồ uống chứa cồn như rượu, bia
- Hút thuốc lá chủ động hoặc hút thuốc lá thụ động
- Căng thẳng, stress
- Sử dụng một số loại thuốc chứa lithium, thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chứa corticoid
- Thời tiết: đặc biệt là thời tiết lạnh, hanh khô
- Da bị cháy nắng nghiêm trọng hoặc sau khi bị chấn thương da
Điều trị bệnh vảy nến
Vảy nến là bệnh mãn tính, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm mà chỉ có thể làm giảm quá trình bệnh lý, giảm tái phát, kéo dài thời gian ổn định cho người bệnh.
Thuốc bôi tại chỗ
Các loại thuốc kem bôi và thuốc mỡ được thoa trực tiếp vào vùng da bị vảy nến giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Corticoid dạng bôi
- Thuốc chứa retinoid dạng bôi
- Anthralin
- Dẫn xuất của vitamin D3
- Acid salicylic
Thuốc điều trị tại chỗ thường được sử dụng trong các trường hợp vảy nến nhẹ đến trung bình. Khi tổn thương giảm, cần giảm liều corticoid và thay thế bằng các thuốc khác vì corticoid có thể gây nhiều tác dụng phụ tại chỗ như teo da, giãn mạch, bầm tím da…
Corticoid bôi tại chỗ có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu dùng kéo dài
Thuốc điều trị toàn thân
Thường được sử dụng trong các trường hợp vảy nến nặng. Các thuốc này bao gồm methotrexate, cyclosporine, retinoids hay một số thuốc ức chế miễn dịch khác như sandimmune.
Quang trị liệu vảy nến
Liệu pháp này sử dụng các loại tia cực tím (UVA, UVB), laser để điều trị vảy nến. Các loại tia được sử dụng sẽ tấn công và gây tổn thương, tiêu diệt các tế bào ở vùng da đang bị tổn thương, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng của vảy nến có mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Cuối cùng, để tránh bệnh vảy nến tái phát, kéo dài thời gian ổn định của bệnh, cần nắm rõ và tránh xa các yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tái phát (mục 2.3).
Vảy nến là căn bệnh khó chịu bởi gây mất thẩm mỹ và nhiều điều phiền toái cho cuộc sống bệnh nhân. Điều trị trong giai đoạn bệnh tái phát và tránh xa các yếu tố nguy cơ là cách tốt nhất giúp giảm những ảnh hưởng của vảy nến tới người bệnh. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 1800 1044 (miễn cước) để được giải đáp. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM: