Mục lục [Ẩn]
Khí dung là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Vậy cụ thể phương pháp này áp dụng cho những ai, gồm những loại nào và thực hiện ra sao? Cần lưu ý những gì khi thở khí dung? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Thở khí dung như thế nào?
Thở khí dung là gì?
Thở khí dung là phương pháp sử dụng máy khí dung để khuếch tán thuốc dưới dạng sương mù, giúp cho thuốc có tác động trực tiếp vào những vị trí bị viêm nhiễm trên hệ thống niêm mạc đường hô hấp.
Có 2 loại máy khí dung được sử dụng phổ biến là:
- Máy khí dung tạo các hạt khí dung to, đọng lại ở niêm mạc đường hô hấp trên: Loại máy này được dùng để điều trị các bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi cấp và mạn tính, viêm thanh quản, viêm họng, viêm xoang mạn tính,...
- Máy khí dung tạo các hạt khí dung to, đọng lại ở niêm mạc đường hô hấp dưới: Được dùng để điều trị các bệnh đường hô hấp dưới như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, viêm phế quản, khí phế thũng,...
Ưu - nhược điểm của phương pháp thở khí dung
Ưu điểm
Thở khí dung có một số ưu điểm:
- Liều thuốc sử dụng ít hơn dạng thuốc uống hoặc tiêm.
- Thuốc được phân phối đến đúng vị trí cần điều trị nên có tác dụng nhanh hơn và hạn chế tác dụng phụ toàn thân.
- Khá thuận tiện cho trẻ khó uống thuốc.
Nhược điểm
Điều trị bằng phương pháp thở khí dung cũng có một số nhược điểm nhất định như:
- Bệnh nhân cần có khả năng phối hợp hít thở khi sử dụng máy.
- Cần có thiết bị chuyên dụng mới thực hiện được.
- Nếu thao tác sai thì liều lượng thuốc khí dung đưa vào đường thở dễ bị sai lệch.
- Bệnh nhân có thể bị ứ đọng thuốc ở hầu họng.
- Dễ bị kích ứng khí quản, co thắt phế quản, nhiễm trùng đường thở.
- Nhiều người gặp khó khăn trong việc lắp đặt, nạp thuốc, sử dụng và bảo dưỡng thiết bị.
Các loại thuốc được sử dụng trong phương pháp thở khí dung
Tùy thuộc vào bệnh lý cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc khác nhau, như:
- Thuốc pha dạng corticoid: Để giảm viêm, phù nề và tình trạng sung huyết. Thuốc được sử dụng trong các trường hợp bị viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...
- Thuốc giãn phế quản: Để giãn phế quản, giúp bệnh nhân có thể hít thở dễ dàng hơn.
- Thuốc kháng sinh, long đờm: Sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh phổi, ...
- Nước muối sinh lý 0,9%: Sử dụng cho trẻ bị viêm tiểu phế quản có đờm đặc.
Hướng dẫn thở khí dung
Lắp đặt máy khí dung
Để tránh vi khuẩn từ tay xâm nhập vào cơ thể, bạn hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau đó lau khô bằng khăn sạch trước khi lắp máy.
Đặt máy xông khí dung lên bề mặt phẳng, vững chãi và lắp đặt máy theo quy trình sau:
- Lắp các bộ phận theo hướng dẫn và cắm nguồn điện.
- Chuẩn bị thuốc: Kiểm tra kỹ thuốc trước khi sử dụng. Nếu thuốc đã chia liều sẵn, bạn chỉ cần mở thuốc và cho vào cốc đựng thuốc. Nếu thuốc chưa chia liều, bạn nên sử dụng ống tiêm hoặc ống nhỏ giọt để chia liều cho chính xác. Đậy nắp cốc đựng thuốc.
- Gắn ống ngậm hoặc mặt nạ vào đầu cốc đựng thuốc và gắn ống nối của bộ phận nén vào cuối ống đựng thuốc.
Hướng dẫn lắp đặt máy khí dung
Tiến hành khí dung
Bạn sử dụng khí dung theo quy trình sau:
- Ngồi thẳng trên ghế, tư thế thoải mái.
- Bật máy, giữ cốc đựng thuốc ở vị trí thẳng đứng để ngăn không cho thuốc tràn ra ngoài.
- Đeo mặt nạ hoặc ngậm ống hít.
- Hít vào sâu, ngưng 1- 2 giây rồi thở ra, lặp lại quy trình này cho đến khi hết thuốc trong cốc. Quy trình này thường kéo dài 5 - 15 phút.
- Thỉnh thoảng gõ nhẹ vào thành máy thở để dung dịch rơi hết xuống đầu ống dẫn, không bị sót thuốc bám vào thành.
- Nếu máy khí dung phát ra âm thanh phù phù và không có sương phun ra nữa thì dừng lại. Tháo mặt nạ để kết thúc quá trình xông.
Một số lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung
Một số lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung là:
- Không tự ý dùng thuốc khí dung khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có chỉ định của bác sĩ thì sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng thuốc.
- Chỉ nên xông khí dung trong thời gian từ 5 - 15 phút. Nếu xông khí dung quá lâu rất dễ dẫn đến làm đờm loãng và nhiều hơn, cản trở đường hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Một đợt điều trị chỉ nên kéo dài 5 - 7 ngày.
- Súc miệng và rửa sạch mặt bằng xà phòng sau khi dùng khí dung. Bởi vì khí dung chứa corticoid dễ gây ức chế miễn dịch vùng hầu họng và mặt, gây nhiễm nấm, kích thích da mặt,..
- Tránh thực hiện khí dung ngay trước hoặc sau bữa ăn, điều này dễ gây khó thở khi xông.
- Nên thực hiện trong môi trường yên tĩnh. Điều này sẽ giúp người bệnh tập trung hít thở sâu để thuốc đi vào phổi.
- Sau khi sử dụng cần bảo quản máy khí dung cẩn thận để tránh máy chứa vi khuẩn gây tình trạng nhiễm khuẩn vào đường hô hấp.
- Không nên lạm dụng phương pháp thở khí dung vì có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn như phụ thuộc vào thuốc, giảm chức năng khứu giác ở người lớn, ức chế hô hấp và ngộ độc ở trẻ nhỏ,...
Súc miệng sạch sẽ sau khi thở khí dung
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được phương pháp thở khí dung và các lưu ý khi thực hiện phương pháp này. Bạn nhớ chỉ được sử dụng máy khí dung khi được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định, không được tự ý sử dụng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Hướng dẫn phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD
- 7 Triệu chứng lao phổi điển hình bạn cần biết