Mục lục [Ẩn]
Sụp mí mắt là tình trạng có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nguyên nhân có thể là do bẩm sinh, lão hóa, hoặc bệnh lý. Trong đó, nhược cơ chính là một trong những căn bệnh đứng sau tình trạng này. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh nhược cơ, cũng như cách điều trị nhé!
Sụp mí mắt - Hãy thận trọng với bệnh nhược cơ
Sụp mí mắt - Hãy thận trọng với bệnh nhược cơ
Nhược cơ (Myasthenia gravis) là một bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng giảm chức năng hoạt động của hệ cơ. Người bệnh sẽ cảm thấy mỏi, yếu cơ, hay nặng hơn là liệt cơ với mức độ tăng dần từ sáng đến chiều. Bệnh nhược cơ gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tần suất mắc nhiều hơn ở nữ dưới 40 và trên 70 tuổi. Bệnh cũng thường được bắt gặp ở nam giới tuổi trên 50.
Triệu chứng được bắt gặp sớm nhất của bệnh liệt cơ là sụp mí mắt, với tỷ lệ hơn 50% người bệnh. Tình trạng này cũng có xu hướng nặng hơn về chiều. Sụp mí có thể chỉ xảy ra ở 1 bên, hoặc cả 2 bên nhưng không đối xứng, kèm theo đó là nhìn đôi, nhìn 1 vật thành 2 và không nhắm được mắt hoàn toàn.
Bên cạnh đó, các phần cơ khác của người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng theo thời gian mắc bệnh. Từ đó, họ sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác như:
- Cảm thấy yếu hơn khi nhai lâu do cơ nhai bị ảnh hưởng, thậm chí là phải dùng bàn tay đặt dưới hàm để ngậm miệng.
- Nuốt khó và nói khó do yếu cơ vùng hầu họng. Giọng nói của người bệnh thay đổi giống như giọng mũi khi yếu cơ vòm miệng, và nặng hơn khi phải nói kéo dài.
- Gặp nhiều khó khăn khi giữ đầu ngẩng cao do yếu cơ duỗi cổ. Trọng lượng của đầu lớn nên thường gây ra “hội chứng đầu rơi”. Tình trạng này cũng trở nên rõ rệt hơn vào cuối ngày.
- Khó thực hiện các hoạt động như nâng đồ vật, đứng dậy từ tư thế ngồi, leo cầu thang hay đánh răng.
- Dáng đi nặng nề, không linh hoạt.
- Cơ mặt bị ảnh hưởng sẽ khiến người bệnh có vẻ mặt vô cảm. Bạn có thể nhận thấy như người bệnh bị “mất nụ cười” do yếu các cơ vòng môi.
- Yếu cơ hô hấp khiến người bệnh hít thở khó khăn hơn, gây suy giảm chức năng hô hấp.
Người bệnh nhược cơ gặp khó khăn khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng
Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ là gì?
Như đã nhắc đến, nhược cơ là một bệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là chính cơ thể của người bệnh đã sản sinh ra các kháng thể tấn công vào tổ chức cơ, cụ thể là tại những điểm nối thần kinh – cơ.
Trong cơ thể, acetylcholine (Ach) là một chất dẫn truyền thần kinh nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Đó chính là truyền các xung động từ hệ thần kinh đến các cơ, nhờ đó giúp cho cơ có thể hoạt động theo ý muốn.
Đối với người mắc bệnh nhược cơ, cơ thể họ sẽ sinh ra một loại tự kháng thể kháng acetylcholin. Do đó, nồng độ của chất này ở các điểm nối thần kinh - cơ sẽ giảm đi rất nhiều. Đồng thời, sự đáp ứng của các thụ thể acetylcholin cũng đồng loạt giảm theo. Hậu quả cuối cùng là làm giảm hoặc mất dần sự dẫn truyền các xung thần kinh đến cơ, dẫn đến hiện tượng yếu cơ, liệt cơ.
Qua nhiều nghiên cứu khác nhau, người ta đã tìm ra 3 loại kháng thể gây ra bệnh nhược cơ. Ba loại kháng thể này gồm có:
- Kháng thể AChR: Các kháng thể này xuất hiện ở khoảng 85% người bệnh nhược cơ, yếu cơ toàn thân. Chúng phá hủy những thụ thể của acetylcholin trên màng tế bào cơ tại màng sau synap.
- Kháng thể MuSK: Các kháng thể này xuất hiện ở 38 - 50% những người bệnh nhược cơ có AChR-Ab âm tính. Những người bệnh nhược cơ do kháng thể MuSK thường có triệu chứng ở mắt ít nghiêm trọng hơn so với người bị nhược cơ do kháng thể AChR.
- Kháng thể LRP4: Các kháng thể này xuất hiện ở khoảng 13% người bệnh có huyết thanh kháng thể AChR và MuSK âm tính. Người bệnh thường có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, ở giai đoạn nặng nhất, người bệnh có kháng thể LRP4 lại gặp phải các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn so với những bệnh nhân không có.
Tuyến ức đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bệnh nhược cơ vì nó có thể duy trì việc sản sinh ra những kháng thể ngăn chặn acetylcholine. 75% người bệnh nhược cơ có bất thường ở tuyến ức. Trong đó, 65% trường hợp là tuyến ức tăng sản, 10% còn lại là u tuyến ức.
Tuyến ức thường có kích thước lớn ở trẻ sơ sinh và nhỏ hơn ở người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, với người mắc bệnh nhược cơ, kích thước của tuyến ức có thể to bất thường. Bên cạnh đó, bệnh nhược cơ cũng mang dấu ấn của di truyền, do sự xuất hiện một loại kháng nguyên bạch cầu.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh Graves, viêm tuyến giáp, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh rối loạn tự miễn dịch, cũng có thể phát triển bệnh nhược cơ.
Tự kháng thể kháng acetylcholin là tác nhân gây nhược cơ
Biến chứng của bệnh nhược cơ nguy hiểm như thế nào?
Ở giai đoạn đầu của bệnh nhược cơ, phần lớn người bệnh nhận thấy triệu chứng thoáng qua. Thậm chí, triệu chứng có thể không xuất hiện trong vòng vài tuần. Các triệu chứng này cũng có thể thuyên giảm một cách tự nhiên.
Tiến triển của bệnh nhược cơ thường đạt đỉnh điểm trong vòng vài năm kể từ khi khởi phát. Trong một theo dõi một loạt bệnh nhân nhược cơ ở Hoa Kỳ vào những 1976, tỷ lệ bệnh nhân đạt tới giai đoạn nặng nhất trong vòng 2 năm rơi vào khoảng 82% trên tổng số. Trong một nghiên cứu khác trên 1.152 người bệnh ở Ý, tỷ lệ này sau 3 năm khởi phát là 77%.
Khoảng 50% những người có biểu hiện ở mắt sẽ tiến triển nhược cơ toàn thân sau hai năm.
Bệnh nhược cơ có thể dẫn đến viêm phổi do thức ăn rơi vào phổi khi người bệnh nuốt khó. Bên cạnh đó, bệnh nhược cơ cũng có thể chuyển nặng rất nhanh. Các cơn yếu cơ nghiêm trọng xuất hiện đột ngột. Biến chứng đáng lo ngại, nguy hiểm nhất của bệnh là yếu cơ hô hấp.
Tình trạng suy hô hấp xuất hiện là do người bệnh bị yếu hay liệt các cơ hô hấp gồm: cơ hoành, cơ liên sườn và các cơ thành ngực. Nhiều trường hợp, người bệnh bị liệt hoàn toàn các cơ hô hấp, dẫn tới tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.
Ngoài ra, việc luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, giảm hoặc mất khả năng tập trung cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, người bệnh gặp khó khăn khi tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng và giảm chất lượng cuộc sống.
Liệt cơ hô hấp có thể dẫn đến tử vong
Bệnh nhược cơ được chẩn đoán bằng cách nào?
Việc chẩn đoán bệnh nhược cơ dựa vào quá trình hỏi triệu chứng của người bệnh, nhằm tìm ra đặc điểm chính của yếu cơ, đánh giá sơ bộ mức độ nặng của bệnh. Cùng với đó, người bệnh sẽ tiếp tục được chẩn đoán bằng các kỹ thuật khác như:
- Khảo sát điện cơ EMG với kích thích thần kinh lặp lại tần số 3 - 5Hz cho thấy giảm biên độ vận động ở các nhóm cơ như: bàn tay, cơ thang, cơ vùng mắt,... Đo điện cơ sợi đơn độc (SFEMG) được sử dụng cho các trường hợp kích thích thần kinh lặp lại âm tính.
- Xét nghiệm tìm kháng thể kháng thụ thể acetylcholin (AchR antibody) cho tất cả người bệnh nhược cơ. Nếu trong trường hợp AchR antibody âm tính thì cần làm thêm xét nghiệm anti MUSK. Việc làm kháng thể giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh, phân loại bệnh cũng như lựa chọn phương pháp điều trị cho người bệnh.
- Người bệnh sau khi được chẩn đoán bệnh nhược cơ cần khảo sát CT lồng ngực có thuốc cản quang hay MRI lồng ngực có thuốc cản từ để khảo sát u tuyến ức hay tồn lưu tuyến ức.
Điều trị bệnh nhược cơ như thế nào?
Các phương pháp điều trị bệnh nhược cơ có thể kể đến như:
Sử dụng các thuốc kháng men cholinesterase
Các thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin ở điểm nối thần kinh cơ giúp cải thiện triệu chứng yếu cơ.
Thuốc ức chế miễn dịch kéo dài
Nhóm thuốc này gồm có glucocorticoids và thuốc ức chế miễn dịch không phải steroid, các thuốc này sẽ tác động vào các rối loạn liên quan tự miễn dịch đang có.
Thuốc điều hòa miễn dịch nhanh, có tác dụng ngắn
Các thuốc thay huyết tương- plasma exchange, truyền immune globulin- IgIV, được sử dụng trong các cơn nhược cơ, chuẩn bị trước phẫu thuật cắt tuyến ức và các phẫu thuật khác, hoặc dùng định kỳ cho người bệnh đáp ứng kém với thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
Phẫu thuật cắt tuyến ức
Phương pháp điều trị bệnh nhược cơ này được thực hiện từ những năm 1940. Cắt tuyến ức giúp kiểm soát triệu chứng nhược cơ tốt hơn, giúp giảm liều thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng men, và số lần nhập viện.
Người bệnh nhược cơ có chỉ định cắt tuyến ức cần được đánh giá toàn diện trước phẫu thuật. Việc cắt tuyến ức sẽ được thực hiện khi kiểm soát tốt bệnh nhược cơ về hô hấp, giảm liều glucocorticoid xuống mức thấp nhất để giảm nhiễm trùng sau mổ và giúp vết thương mau lành.
Phẫu thuật cắt tuyến ức giúp kiểm soát triệu chứng nhược cơ
Hạn chế sử dụng những loại thuốc làm bệnh nghiêm trọng hơn
Một số loại thuốc có thể làm cho tình trạng nhược cơ nghiêm trọng hơn, do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng chúng. Các loại thuốc này có thể kể đến như:
- Tất cả các loại thuốc ức chế hô hấp như: Benzodiazepine, Opioid, thuốc an thần,...
- Thuốc kháng sinh Fluoroquinolon như: Ciprofloxacin và Levofloxacin.
- Kháng sinh nhóm Aminoglycoside.
- Thuốc kháng sinh telithromycin có thể gây cơn nhược cơ cấp, thường xuất hiện trong 2 giờ sau khi dùng liều đầu.
- Thuốc giãn cơ như: Cisatracurium, enflurane, isoflurane, halothane.
- Magnesium Sulfate có chống chỉ định tương đối vì ức chế giải phóng ACh.
- Một số loại thuốc tim mạch như thuốc chẹn beta.
- Các thuốc Statin như Atorvastatin và Rosuvastatin.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh lý nhược cơ. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM:
- https://kienthucyhoc.wiki/hoi-chung-jet-lag-la-gi-trieu-chung-va-cach-dieu-tri
- https://kienthucyhoc.wiki/y-nghia-cua-cac-chi-so-xet-nghiem-sinh-hoa-mau