Mục lục [Ẩn]
Tiêm filler là một trong những thủ thuật phổ biến được dùng để chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Bên cạnh những lợi ích trông thấy mà nó mang lại, nhiều người vẫn bày tỏ sự nghi ngại đến từ tính an toàn của phương pháp này. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của tiêm filler, cũng như tính an toàn và những lưu ý trước khi thực hiện nhé!
Tiêm filler có tác dụng gì? Có an toàn hay không và cần lưu ý những gì?
Tiêm filler có tác dụng gì?
Filler hay chất làm đầy là những hợp chất hóa học có cấu trúc rắn như: Axit hyaluronic, canxi hydroxylapatite, axit poly-L-lactic, polymethylmethacrylat,... Chúng có tác dụng nâng mô vùng dưới da để xóa nếp nhăn, tạo hình các vùng da, cụ thể như làm đầy môi, tạo hình môi, độn cằm, làm đầy thái dương, đầy rãnh cười, làm đầy sẹo lõm,...
Axit poly-L-lactic chỉ có tác dụng kích thích quá trình sản sinh collagen, nhờ đó tăng tính đàn hồi, cải thiện độ săn chắc cho làn da và giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn do cười, làm đầy môi mỏng, cải thiện rãnh mũi, má sâu. Hiệu quả của axit poly-L-lactic có thể kéo dài đến hơn 2 năm.
Axit hyaluronic là chất làm đầy, thường được dùng để chăm sóc làn da, làm đầy, căng bóng làn da ở những nơi như má, nếp nhăn ở vùng quanh mắt, khóe miệng, vết chân chim, nếp nhăn giữa 2 chân mày, rãnh mũi má, định hình đường viền môi. Hiệu quả có thể kéo dài từ 6 đến 18 tháng.
Canxi hydroxyapatite (CaHA) cũng là chất làm đầy da dạng có bản chất là các hạt canxi có kích thước siêu nhỏ giúp điều trị các nếp nhăn sâu trên da. Đồng thời, CaHA cũng tăng cường sự đầy đặn của má và các đường nét khác trên khuôn mặt, cải thiện thể tích ở những khu vực bị hóp trên khuôn mặt.
Polymethylmethacrylate (PMMA) được tạo thành từ collagen và các hạt siêu nhỏ có tác dụng làm đầy da, được sử dụng như một liệu pháp lâu dài để điều chỉnh các nếp nhăn từ trung bình đến sâu, đặc biệt nếp gấp ở rãnh mũi má. Hiệu quả của việc tiêm PMMA sẽ phát huy sau 3 tháng.
Tiêm filler giúp làm giảm nếp nhăn
Tiêm filler có an toàn không?
Trên thực tế, tiêm filler đều là thủ thuật ít xâm lấn, nên có độ an toàn cao, ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, việc tiêm filler đúng cách đều không gây ra biểu hiện gì khác thường, hay chỉ có những phản ứng nhẹ như: đỏ da, ngứa, đau,...
Nếu kỹ thuật tiêm không đúng, hay sử dụng những loại filler kém chất lượng, thì có thể gây ra một số biến chứng như: nhiễm trùng tại vùng tiêm, rò rỉ filler, xuất hiện khối u nhỏ, u hạt do phản ứng viêm, filler di chuyển từ nơi này qua nơi khác, tắc mạch máu, mờ mắt, hay thậm chí là mù mắt và hoại tử da,...
Cuối tháng 9/2022 vừa qua, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội đã cấp cứu cho một phụ nữ 38 tuổi gặp biến chứng do tiêm filler nâng ngực tại thẩm mỹ viện. Người bệnh nhập viện trong tình trạng ngực trái hoại tử sắp vỡ, ngực phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da, cứng ngắc.
Trước đó, khoảng tháng 4/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cũng từng tiếp nhận một phụ nữ bị tai biến sau khi tiêm 3 lọ filler vào ngực và mặt. Người bệnh này nhập viện trong tình trạng nguy kịch, khó thở, tim hầu như không co bóp. Các bác sĩ đã phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO và chạy thận nhân tạo hỗ trợ.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, kỹ thuật tiêm filler là một trong những kỹ thuật cần có tay nghề cao, và đòi hỏi sự chính xác. Người thực hiện phải là bác sĩ, được đào tạo bài bản, nắm rõ cấu trúc vùng mặt, đặt biệt là hệ thống mạch máu để không gây ra những tai biến trầm trọng.
TS.BS Ngô Minh Vinh - Phó Trưởng bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, khi tiêm filler, nếu chích vào mạch máu thì chất filler làm nghẽn mạch máu. Vùng mô, da của cơ thể hoặc nội tạng cơ thể thiếu máu tới nuôi dưỡng sẽ gây ra hoại tử, lở loét.
Hiện nay, rất nhiều cơ sở thẩm mỹ viện không đạt tiêu chuẩn, người thực hiện thậm chí còn không phải là bác sĩ. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Một số trường hợp tiêm filler có thể dẫn đến biến chứng nặng nề
Những lưu ý trước khi thực hiện tiêm filler
Như vậy, có thể thấy, tiêm filler đa phần là không gây nguy hiểm, nhưng vẫn có thể gây ra các biến chứng. Do đó, để an toàn, bạn nên lưu ý những điều dưới đây:
- Tìm đến những cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện thẩm mỹ lớn được cấp phép hoạt động, có các bác sĩ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hành nghề và có kinh nghiệm lâu năm; tuyệt đối không đến các phòng khám tư nhân, spa được quảng cáo tràn lan trên Internet, không uy tín, không được cấp phép và chứng nhận an toàn.
- Cần hỏi kỹ các thông tin về nguồn gốc và mức độ an toàn của loại filler sắp sử dụng; tuyệt đối không tự ý sử dụng các sản phẩm được rao bán trên Internet.
- Hãy kiểm tra xem filler có còn nguyên vẹn trong ống tiêm, có bao bì, và nhãn mác đầy đủ hay không, đồng thời yêu cầu được sử dụng ống tiêm mới.
- Thông báo với bác sĩ về các bệnh lý hoặc tiền sử bệnh lý mà bản thân mắc phải, cũng như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng.
Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết cho quý độc giả về tác dụng của việc tiêm filler, cũng như những vấn đề có thể gặp phải và lưu ý trước khi thực hiện. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: