Mục lục [Ẩn]
Suy tim mạn là căn bệnh nguy hiểm, có thể khiến những sinh hoạt đơn giản nhất của người bệnh cũng trở nên khó khăn. Không những vậy, nó còn là nguyên nhân gây tử vong sớm, rút ngắn tuổi thọ của người mắc.
Hiện nay, suy tim mạn có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Việc điều trị thường được cá nhân hóa cho từng người bệnh, từng giai đoạn suy tim. Chúng ta cùng tìm hiểu các cách điều trị suy tim mạn trong bài viết dưới đây nhé!
Điều trị suy tim mạn bằng cách nào?
Điều trị suy tim mạn bằng thuốc
Hiện nay, sử dụng thuốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều trị suy tim mạn. Các nhóm thuốc nền tảng trong điều trị suy tim có thể kể đến là:
Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I)
Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế enzym chuyển đổi Angiotensin I thành Angiotensin II. Đồng thời, thuốc cũng làm tăng nồng độ Bradykinin, chất có tác dụng gần như ngược chiều với Angiotensin II.
Nhờ đó, thuốc sẽ điều chỉnh hệ Renin - Angiotensin - Aldosterone (RAA), gây giãn mạch, giảm gánh nặng cho tim. Thuốc giúp cải thiện tiên lượng và triệu chứng ở người bệnh suy tim mạn.
Các thuốc thường dùng trong nhóm này là: Captopril, Lisinopril, Ramipril, Trandolapril,... Thuốc ACE-I chống chỉ định với người huyết áp thấp, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai.
Thuốc chẹn beta giao cảm
Thuốc chẹn beta giao cảm có tác dụng hạn chế kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm. Đây là một cơ chế điều hòa ngược trong suy tim mạn. Nhóm thuốc này giúp giảm nguy cơ nhập viện do đợt cấp và đột tử do các biến cố tim mạch.
Hiện nay, các loại thuốc trong nhóm này đang được sử dụng trong điều trị suy tim là: carvedilol, metoprolol, bisoprolol và nebivolol. Trong đó:
- Bisoprolol và metoprolol có tác dụng chọn lọc chủ yếu trên thụ thể beta-1 ở tâm thất. Hai thuốc này làm chậm nhịp tim, giảm co tâm thất, giảm cung lượng tim, và giảm huyết áp. Tác dụng hạ áp của thuốc mạnh, nhưng cũng làm giảm nhịp tim nhanh. Do đó, thuốc không có lợi cho những người nhịp tim chậm.
- Carvedilol có tác dụng trên cả thụ thể beta-1 và beta-2. Thuốc làm giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp. Thuốc chống chỉ định với người hen phế quản, suy tim sung huyết mất bù, nhịp tim chậm, block nhĩ thất, giảm chức năng gan,...
Thuốc chẹn beta trong điều trị suy tim
Thuốc ức chế thụ thể Mineralocorticoid (MRA)
Nhóm thuốc này còn được gọi là thuốc lợi tiểu kháng aldosterone. Thuốc vừa giúp lợi tiểu, vừa hạn chế tác dụng thái quá của tăng aldosterone trong suy tim nặng. Do đó, thuốc làm giảm co mạch, giữ muối nước, phì đại cơ tim, suy thận, rối loạn chức năng nội mạc.
Loại thuốc hiện đang được sử dụng trên lâm sàng là Spironolactone. Thuốc có một số tác dụng phụ là: Mệt mỏi, đau đầu, liệt dương, mất kinh,... Thuốc chống chỉ định với người suy thận nặng, và tăng kali máu.
Thuốc ức chế thụ thể neprilysin và angiotensin (ARNI)
Đây là phức hợp của Sacubitril và Valsartan, làm tăng nồng độ các peptide lợi niệu. Thuốc được khuyến cáo như điều trị thay thế cho nhóm ức chế men chuyển, hoặc ức chế thụ thể angiotensin II.
Tác dụng phụ của thuốc là phù mặt, môi, lưỡi, họng và có thể gây khó thở hoặc khó nuốt. Thuốc cũng có thể ảnh hưởng chức năng thận, tăng nguy cơ hạ huyết áp trên bệnh nhân suy thận.
Thuốc ức chế thụ thể neprilysin và angiotensin (ARNI)
Một số loại thuốc khác
- Thuốc ức chế đồng vận Natri-glucose 2 (SGLT2i). Thuốc làm tăng đào thải đường và muối qua nước tiểu bằng cách ức chế tái hấp thu glucose và natri ở ống thận. Dapagliflozin và empagliflozin là hai loại đang được sử dụng trên lâm sàng. Thuốc chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận nặng.
- Thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (ARB). Thuốc ức chế trực tiếp thụ thể AT1, nhưng không làm tăng bradykinin nên ít gây ra các tác dụng phụ như ho khan, phù mạch. Thuốc được dùng khi không dung nạp với thuốc ACE-I, hoặc không có khả năng điều trị với ARNI.
- Thuốc lợi tiểu có thể chỉ định cho tất cả các giai đoạn của suy tim nếu có ứ huyết. Hai nhóm thuốc lợi tiểu là tác dụng lên quai Henle (Furosemid) và thiazide (Hydrochlorothiazide, Indapamide,..).
- Glycosid trợ tim dùng trong suy tim với cung lượng tim thấp, bệnh cơ tim giãn có nhịp xoang nhanh; suy tim kèm theo các rối loạn nhịp trên thất, đặc biệt là rung nhĩ hay cuồng nhĩ với đáp ứng tần số thất nhanh.
- Thuốc chẹn kênh f (Ivabradine) có tác dụng làm giảm tần số nhịp xoang.
- Thuốc kết hợp hydralazine và isosorbide dinitrate được dùng thay thế cho nhóm ức chế men chuyển, trong trường hợp không dung nạp hoặc có chống chỉ định.
Điều trị suy tim mạn bằng can thiệp ngoại khoa
Với các trường hợp suy tim nặng, người bệnh sẽ cần được điều trị bằng can thiệp ngoại khoa như:
- Máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim (CRT). Máy tạo nhịp tâm nhĩ và tâm thất, hoặc tạo nhịp thất trái và thất phải. Từ đó, máy giúp “tái đồng bộ” hoạt động co bóp của tim.
- Máy phá rung tự động cấy vào cơ thể (ICD) được dùng trong các trường hợp:
- Có ngừng tim hoặc rung thất, tim nhanh thất bền bỉ.
- Nguy cơ rung thất hoặc tim nhanh thất có tính chất gia đình.
- Nhồi máu cơ tim có phân suất tống máu thất trái dưới 35%.
- Suy tim có phân suất tống máu thất trái dưới 35%, có NYHA (Phân độ suy tim theo chức năng của Hội Tim mạch New York) độ II, III.
Chống chỉ định của máy là: các trường hợp rối loạn nhịp cấp tính do viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp, nhịp chậm không có triệu chứng, suy tim quá nặng mất bù, nhiễm trùng cấp tính,...
- Ghép tim được sử dụng trong suy tim giai đoạn cuối, đã kháng lại với tất cả các biện pháp điều trị nội, ngoại khoa thông thường. Ghép tim chống chỉ định với trường hợp tăng áp lực động mạch phổi cố định, ung thư đang tiến triển hoặc mới phát hiện dưới 5 năm, suy gan, suy thận,...
Máy phá rung tự động cấy vào cơ thể (ICD)
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho quý độc giả về các phương pháp điều trị suy tim. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: