Mục lục [Ẩn]
Nhồi máu não là một trong hai dạng của đột quỵ não. Đây là một bệnh tim mạch vô cùng nguy hiểm hiện nay. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Bên cạnh đó, nhồi máu não cũng có thể để lại các di chứng rất nặng nề. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này nhé!
Nhồi máu não nguy hiểm như thế nào?
Nhồi máu não là gì?
Tất cả chúng ta đều đã nghe đến đột quỵ, hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là một bệnh tim mạch gồm có 2 dạng là nhồi máu não và chảy máu não. Trong đó, nhồi máu não chiếm đến 80% tổng số các ca bệnh đột quỵ não. Cứ 100.000 người thì lại có 130 trường hợp mắc nhồi máu não mỗi năm.
Nhồi máu não xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn hoặc do hạ huyết áp đột ngột. Tế bào não không nhận được đủ oxy và glucose do lượng máu lên não giảm đi. Những tế bào tại vùng ảnh hưởng sẽ chết dần, làm suy giảm chức năng của não bộ. Số lượng tế bào chết đi càng nhiều thì hoạt động của não bộ càng bị rối loạn nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây nhồi máu não
Các nguyên nhân gây nhồi máu não có thể kể đến như:
Xơ vữa mạch máu
Đây là yếu tố hàng đầu gây nhồi máu não, chiếm khoảng 50% trong tổng số các ca bệnh. Trong đó, xơ vữa mạch máu ngoài sọ chiếm đến 45%, mạch máu trong sọ chỉ chiếm 5%.
Xơ vữa động mạch sẽ khiến lòng mạch bị thu hẹp, dòng máu lưu thông khó khăn hơn. Lượng máu lên não sẽ sụt giảm đi đáng kể nếu người bệnh bị xơ vữa động mạch cảnh. Ngoài ra, một số mảnh xơ vữa nhỏ cũng có thể bị bong ra, theo dòng máu đến não và gây tắc các mạch máu nhỏ tại đây, dẫn đến nhồi máu não.
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu não
Nguyên nhân từ vấn đề tại tim
Rối loạn nhịp tim là một trong những tác nhân gây nhồi máu máu não. Trong đó, rung nhĩ và cuồng nhĩ sẽ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Huyết khối sau đó sẽ theo máu đến não và gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não. Rung thất gây giảm huyết áp đột ngột, khiến người bệnh mất ý thức và ngừng thở nhanh chóng.
Các bệnh lý như hở van tim, suy tim, cũng khiến dòng chảy của máu trong tim bị rối loạn. Điều này sẽ tạo điều kiện để huyết khối hình thành, làm tăng nguy cơ nhồi máu não.
Các rối loạn về máu và mạch máu
Dị dạng mạch máu bẩm sinh cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhồi máu não. Đây cũng chính là tác nhân hàng đầu gây ra các trường hợp đột quỵ ở trẻ em. Đột quỵ nhồi máu não cũng có thể là một biến chứng của tình trạng rối loạn đông máu, hoặc bệnh tế bào máu,...
Triệu chứng nhồi máu não
Triệu chứng nhồi máu não điển hình có thể kể đến như:
- Liệt nửa dưới của 1 bên mặt, miệng méo sang 1 bên, nhân trung bị lệch. Miệng không khép chặt lại được, môi không mím chặt được khiến giọng nói khó nghe hơn.
- Yếu, liệt một tay, chân hay nửa người. Người bệnh có biểu hiện không giữ được tay lâu khi đưa thẳng ra phía trước. Thậm chí, một số người có thể liệt hoàn toàn, không thể cử động.
- Rối loạn ngôn ngữ, không nói được thành câu đầy đủ, không diễn tả được điều mình muốn. Người bệnh phát âm không rõ, nói khó nghe, nói giọng mũi.
- Giảm hoặc mất cảm giác nửa người, nuốt khó, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đi lại khó khăn.
- Giảm thị lực, đau đầu, thậm chí là hôn mê, co giật.
Khi nhận biết được các triệu chứng này, bạn cần đưa người bệnh nhập viện ngay lập tức. Thời gian vàng để điều trị là 6 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng, tốt hơn nữa là 4,5 giờ.
Nếu qua thời gian vàng, người bệnh có thể gặp phải những di chứng nặng nề do nhồi máu não. Ví dụ như: suy giảm nhận thức, khả năng giao tiếp, khó vận động, liệt, rối loạn đại tiểu tiện, lo lắng, mất ngủ, trầm cảm,... Nếu cấp cứu quá muộn, não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong.
Các triệu chứng điển hình của nhồi máu não
Điều trị nhồi máu não
Các phương pháp được sử dụng để điều trị cho người bệnh nhồi máu não là:
Tiêm thuốc tiêu sợi huyết
Đây là biện pháp điều trị đặc hiệu đối với các trường hợp đột quỵ nhồi máu não. Nếu được thực hiện sớm trong khung giờ vàng, người bệnh sẽ có khả năng hồi phục tích cực hơn. Thuốc tiêu sợi huyết có 2 loại gồm:
- Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được chỉ định trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi bệnh khởi phát.
- Thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch được chỉ định trong vòng 6 giờ đầu sau khi khởi phát (với hệ cảnh trong), hoặc trong vòng 12 tiếng (với hệ động mạch thân nền).
Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
Để thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành luồn ống thông vào mạch máu, sau đó đưa dụng cụ đặc biệt đến vị trí cục máu đông và lấy chúng ra. Kỹ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Thời gian không quá 8 tiếng từ khi khởi phát các triệu chứng nhồi máu não.
- Người bệnh có chống chỉ định hoặc thất bại với tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
- Tắc động mạch cảnh trong; động mạch não giữa đoạn M1, M2; động mạch thân nền .
Điều trị bằng Aspirin và thuốc chống kết tập tiểu cầu
Aspirin là loại thuốc có tác dụng tiêu huyết khối, thường được chỉ định trong điều trị đột quỵ. Ngoài ra, nếu người bệnh bị nhồi máu não do rung nhĩ, bệnh van tim thì có thể được chỉ định thêm heparin và thuốc chống đông khác.
Điều trị các bệnh lý nền
Các trường hợp đột quỵ nhồi máu não do các bệnh lý nền, người bệnh sẽ được dùng thuốc kiểm soát các tình trạng trên. Đây là điều vô cùng cần thiết để điều trị và phòng ngừa tai biến. Người bệnh sẽ được dùng thuốc giảm đường huyết, huyết áp, mỡ máu,... tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Người bệnh sẽ cần dùng thuốc giúp kiểm soát các bệnh lý nền
Phòng ngừa nhồi máu não
Các biện pháp phòng ngừa nhồi máu não gồm có:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, giảm ăn mặn và thức ăn chứa nhiều cholesterol.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh căng thẳng, lo âu, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Dùng thuốc theo chỉ định để kiểm soát các bệnh lý nền, ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích nhất cho quý độc giả về tình trạng nhồi máu não. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Điểm mặt các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ và cách phòng ngừa
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ