Mục lục [Ẩn]
Nếu bạn cảm thấy một hoặc hai bên mép của mình bị khô, nứt, có mụn rộp, hơi đau khi há mồm thì khả năng cao là bạn đã bị chốc mép hay còn gọi là lở mép. Để cải thiện bệnh này hiệu quả và an toàn nhất, trước hết bạn nên nắm được đầy đủ thông tin của nó thông qua việc theo dõi bài viết sau đây. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Bệnh chốc mép là gì?
Chốc mép (lở mép) là bệnh như thế nào?
Chốc mép (lở mép) là một bệnh da liễu với biểu hiện điển hình là da ở một hoặc cả hai bên mép bị nứt và đau do viêm, da trở nên thô ráp, có thể sưng, có những nốt mụn rộp, chúng dễ bị vỡ và đóng vảy màu vàng giống màu mật ong. Bệnh không chỉ gây đau, làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là khi ăn và khi vệ sinh răng miệng.
Bệnh có thể tự hết sau một vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài (thể mạn tính). Đặc biệt, khi sức đề kháng của cơ thể kém và/hoặc người bệnh mắc phải những sai lầm trong sinh hoạt, không có biện pháp cải thiện hiệu quả thì bệnh sẽ khó cải thiện và kéo dài nhiều ngày.
Bệnh chốc mép là một bệnh đơn giản, không nguy hiểm nên chúng ta có thể tự điều trị tại nhà mà không cần phải tới bệnh viện, chỉ cần người bệnh thực hiện đúng cách là bệnh sẽ khỏi, đồng thời có biện pháp để tránh lây cho người khác.
Nguyên nhân gây bệnh chốc mép (lở mép) là gì?
Tác nhân thường gặp nhất khiến con người bị chốc mép là virus (chủ yếu là các virus thuộc nhóm herpes). Ngoài ra, một số ít trường hợp thì tình trạng này bắt nguồn từ nguyên nhân do vi khuẩn và nấm.
Nhiễm virus herpes là nguyên nhân hàng đầu gây chốc mép
Các tác nhân gây bệnh chốc mép có ở khắp mọi nơi, nhưng trong chúng ta có người thường xuyên mắc phải, nhưng cũng có người gần như “miễn nhiễm” với bệnh này. Đó là bởi việc mắc và phát triển bệnh còn phụ thuộc vào những yếu tố như:
- Da có sẵn những tổn thương, môi và mép bị khô: Nếu trên da mép của bạn có sẵn những tổn thương thì tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập, phát triển và gây bệnh chốc mép.
- Tiếp xúc gần với người mắc bệnh: Ví dụ nếu khi đi học, trong lớp có 1 bạn học bị bệnh chốc mép, thì nguy cơ trẻ mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Yếu tố thời tiết: Khi nhiệt độ và độ ẩm không khí cao thì con người dễ mắc bệnh chốc mép hơn. Điều đó giải thích vì sao vào mùa hè, tỷ lệ mắc bệnh này lại tăng lên.
- Độ tuổi: Trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công bởi các nhân gây bệnh chốc mép, đặc biệt là trẻ từ 2-5 tuổi.
- Người lớn tuổi có sức đề kháng kém, mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, HIV… cũng dễ bị chốc mép.
- Do mắc bệnh di truyền: Một số tình trạng di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị lở mép, ví dụ như hội chứng Down…
- Thiếu máu, cơ thể thiếu dinh dưỡng khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
- Đeo răng giả hoặc gặp các vấn đề về nướu và miệng.
- Do thuốc: Người hay dùng thuốc corticoid đường toàn thân hoặc thường xuyên lạm dụng thuốc kháng sinh, dùng thuốc retinoid dạng uống (isotretinoin trị mụn trứng cá, acitretin trị vảy nến) cũng dễ bị chốc mép.
Mắc bệnh tiểu đường dễ bị chốc mép hơn so với người không mắc bệnh
Với những yếu tố nguy cơ có thể khắc phục được như môi mép bị khô, cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, các vấn đề về nướu và miệng, do thuốc… thì bạn cần xử lý sớm để bệnh được cải thiện.
Bệnh chốc mép có nguy hiểm không?
Bệnh chốc mép không nguy hiểm nếu bạn có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Nhưng vì nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn, nấm nên tình trạng mụn nước, chốc lở có thể lan ra các khu vực khác như quanh miệng, mũi, tay chân.
Nếu để bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ bị tổn thương sâu vào trong da và chuyển sang thể ecthyma. Lúc này, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng có những bọng nước lớn, có nhiều dịch, đau sau khi vỡ, thậm chí là xuất hiện những vết loét sâu rất khó điều trị. Nếu điều trị khỏi cũng để lại sẹo và một số di chứng khác.
Vì vậy, ở những đối tượng có những nguy cơ dễ mắc bệnh chốc mép, đặc biệt là người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết, người mắc HIV thì tuyệt đối không được chủ quan khi có những dấu hiệu ban đầu của bệnh.
Phòng tránh lây truyền bệnh chốc mép bằng cách nào?
Chốc mép là bệnh dễ lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương của người bệnh hoặc với những đồ dùng (quần áo, khăn mặt, đồ chơi, giường chiếu) đã bị nhiễm tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm).
Vì vậy, để phòng tránh lây bệnh cho người khác, người bị chốc mép cần chú ý:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng bị tổn thương bằng nước và xà phòng nhẹ rồi băng nhẹ nhàng bằng gạc.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi bôi thuốc vào vết chốc mép. Tốt hơn, bạn nên đeo găng tay y tế khi bôi thuốc.
- Không ngủ chung giường với người khác.
- Không giặt chung quần áo và khăn với người khác, không dùng chung các đồ vật cá nhân.
- Đối với trẻ bị chốc mép, bạn nên cách ly con mình ở nhà cho đến khi không có khả năng lây lan.
Nên để trẻ bị chốc mép ngủ riêng
Điều trị bệnh chốc mép bằng cách nào?
Để chẩn đoán chính xác bạn hoặc con bạn có đang bị chốc mép hay không, bạn nên đi khám tại bệnh viện. Về phương pháp điều trị, thông thường bạn chỉ cần dùng thuốc kết hợp với vệ sinh khu vực bị chốc lở đúng cách.
Bạn cần làm sạch hàng ngày vết chốc và khu vực xung quanh bằng nước ấm sạch hoặc nước muối sinh lý. Sau khi dùng thuốc, bạn nên đợi khô và băng lại để tránh lây lan và không bị dính bụi bẩn.
Về việc sử dụng thuốc điều trị, vì nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh chốc mép đó là do virus nhóm Herpes nên thuốc thường dùng đó là thuốc kháng virus acyclovir dạng kem hoặc thuốc mỡ bôi ngoài da, có thể kết hợp với dạng uống.
Trong trường hợp nghi ngờ tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc khi có vết loét bị bội nhiễm (có mủ) thì người bệnh cần dùng thuốc kháng sinh (dạng bôi hoặc uống). Với tác nhân gây chốc mép, người bệnh sẽ được dùng các thuốc kháng nấm như Canesten hoặc kem Daktarin, kết hợp kháng sinh nếu có bội nhiễm.
Khi bôi thuốc, người bệnh cần lưu ý:
- Cần dùng thuốc ngay từ khi phát hiện tổn thương cho đến khi vết thương đóng vảy.
- Cần làm mềm vết chốc trước khi dùng thuốc ngoài da bằng cách dùng bông thấm nước ấm rồi chấm nhẹ lên mép. Điều này sẽ giúp các vảy trên da bong ra và thuốc phát huy hiệu quả tốt hơn.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp vết chốc mép không cải thiện, thậm chí là có dấu hiệu lan rộng, bạn cần đến bệnh viện sớm để được xử trí kịp thời.
Như vậy, những thông tin quan trọng nhất về bệnh chốc mép đã được chúng tôi trình bày chi tiết trong bài viết này. Nếu có băn khoăn gì khác về các vấn đề về sức khỏe, bạn vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 18001044 để được giải đáp. Chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM: