Mục lục [Ẩn]
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, thường gặp ở trẻ em và có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Phát hiện và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn, teo tinh hoàn.
Các bác sĩ khoa nam học Bệnh viện Bình Dân vừa phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn cho cháu trai N.T.K., 14 tuổi, TP.HCM khỏi nguy cơ hoại tử.
Cấp cứu kịp thời cháu bé bị xoắn tinh hoàn
Sáng sớm, khi đang ngủ, cháu K. đột nhiên cảm thấy đau dữ dội vùng bìu trái, cảm giác đau tăng khi sờ vào, tinh hoàn bên trái nằm cao hơn bình thường và kém di động so với tinh hoàn bên phải. Khi cháu báo cho ba mẹ biết, ba mẹ lập tức đưa cháu đến Bệnh viện Bình Dân cấp cứu.
Bác sĩ chuyên khoa nam học khám, siêu âm và chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái. Bệnh nhân được phẫu thuật ngay để tháo xoắn thừng tinh trái. Khi bộc lộ bìu trái, các bác sĩ phát hiện thừng tinh trái của bệnh nhân bị xoắn hai vòng với nút xoắn chặt khiến thừng tinh và tinh hoàn trái phù nề, đã chuyển màu tím sẫm.
Các bác sĩ phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn cho bệnh nhân
Theo các bác sĩ, người bệnh đã may mắn khi được đưa đến bệnh viện kịp thời trong vòng 4 giờ sau khi cơn đau xuất hiện nên bảo toàn được tinh hoàn. Sau phẫu thuật, thừng tinh và tinh hoàn trái của người bệnh trở lại hồng hào, bác sĩ cố định hai tinh hoàn để tránh nguy cơ xoắn tái phát và xoắn bên đối diện.
Các bác sĩ khuyến cáo một số nam giới hoặc phụ huynh có con trai bị xoắn tinh hoàn đã chần chừ đến bệnh viện mà ở nhà tự tìm kiếm các thông tin trên Internet hoặc tự dùng thuốc giảm đau uống, làm mất cơ hội được điều trị sớm.
Theo một báo cáo khoa học từ Bệnh viện Bình Dân, 80% người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám khi tình trạng đau bìu đã khởi phát vượt hơn 24 giờ, gây những hậu quả nặng nề cho người bệnh như tinh hoàn thiếu máu nuôi, mất tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, vô sinh thứ phát và gánh nặng tâm lý về sau.
Trong cấp cứu xoắn tinh hoàn, người bệnh và bác sĩ luôn "chạy đua với thời gian" để tìm kiếm cơ hội cứu sống tinh hoàn cho người bệnh. Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh.
Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về tình trạng xoắn tinh hoàn qua phần thông tin dưới đây nhé:
Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây sưng và đau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để quá muộn, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi tinh hoàn chưa cố định ở túi bìu và di chuyển bất thường, đặc biệt khi tinh hoàn nằm trong ống phúc tinh mạc. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra và tự tháo nhiều lần.
Bệnh thường có thể xảy ra mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi thanh thiếu niên (từ 2 đến 10 tuổi). Tỷ lệ mắc bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em từ 25-50% đối với trẻ sinh đôi mà trẻ là con thứ hai. Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ thường gặp ở tuổi sơ sinh hoặc tuổi dậy thì (10-15 tuổi). Xoắn tinh hoàn trẻ em có thể xảy ra trước, trong và sau sinh.
Xoắn tinh hoàn ở nam giới
Triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ em
Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các biểu hiện như: đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn (do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn), kéo dài dưới 6 giờ; bìu sưng to; buồn nôn và nôn; đau bụng; phía tinh hoàn bị xoắn có thể ở vị trí cao hơn bình thường; đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn.
Nếu để tình trạng xoắn tinh hoàn quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Mức độ nguy hiểm của triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ em
Bệnh rất nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời. Xoắn tinh hoàn trẻ em thường để lại những hậu quả nặng nề. Nguyên nhân là do mạch máu bị nghẽn vì vậy tinh hoàn không được nuôi dưỡng, rất dễ dẫn đến tổn thương. Nếu chậm được chẩn đoán và điều trị, tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ hoặc hoàn toàn teo đi trong vài tháng. Bệnh nhân có nhiều nguy cơ vô sinh, nhất là các trường hợp thừng tinh 2 bên tinh hoàn đều lần lượt bị xoắn...Nhiều trường hợp xoắn tinh hoàn trẻ em chữa trị muộn khi tinh hoàn đã bị hoại tử nên buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi trưởng thành, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ.
Điều trị xoắn tinh hoàn ở trẻ
Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn là trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu đến trước 6 giờ, 100% bệnh nhân cứu được tinh hoàn. Nếu đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn. Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con.
Mổ xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn. Phẫu thuật được tiến hành như sau: đầu tiên bác sĩ sẽ rạch da bìu; sau đó tháo xoắn thừng tinh; khâu một hoặc cả hai tinh hoàn vào bìu để phòng trường hợp tinh hoàn bị xoay.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời. Vì vậy, ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, điều trị ngay lập tức. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM: