Mục lục [Ẩn]
Nếu đang bị khô mắt, bạn nên theo dõi bài viết ngay sau đây. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách khắc phục hiệu quả. Đừng bỏ lỡ nhé!
Khô mắt là tình trạng như thế nào?
Khô mắt là tình trạng như thế nào?
Khô mắt là một bệnh lý mà người bệnh bị thiếu nước mắt (do tiết ra không đủ) hoặc chất lượng nước mắt không tốt. Từ đó, mắt không đủ độ ẩm, gây ra hàng loạt các triệu chứng như khô, ngứa, mỏi, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, có cảm giác như có dị vật trong mắt… và một số hậu quả nếu để tình trạng này kéo dài.
Theo sinh lý tự nhiên, cơ thể sẽ tiết ra nước mắt liên tục để bảo vệ phần nhãn cầu (bôi trơn bề mặt, rửa trôi các dị vật, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc được phẳng và sạch sẽ) và duy trì thị lực. Sau mỗi một cái chớp mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu, sau đó chúng sẽ được bốc hơi đi. Chúng ta thường cứ một vài giây là phải chớp mắt 1 lần để giữ cho mắt không bị khô.
Người bị khô mắt thường xuyên cảm thấy mỏi mắt
Bệnh khô mắt xảy ra là hậu quả do mất cân bằng giữa quá trình bài tiết và thoát đi của nước mắt bao gồm:
- Lượng nước mắt tiết ra quá ít: Do nhiều nguyên nhân khác nhau (sẽ được trình bày ở phần tiếp theo của bài viết) mà lượng nước mắt tiết ra từ các tuyến trong mi mắt giảm dần, không đủ để giữ ẩm cho mắt.
- Nước mắt có chất lượng không tốt: Màng phim nước mắt có 3 lớp: lớp nhầy (trong cùng), lớp nước (ở giữa) và lớp lipid (ngoài cùng). Trong đó, mỗi lớp đảm nhiệm một chức năng riêng. Lớp lipid giúp hạn chế sự bốc hơi nước của lớp nước, trong khi lớp nhầy có chức năng dàn phẳng nước mắt trên bề mặt giác mạc. Nếu các lớp này hoạt động không tốt, khiến nước mắt bốc hơi quá nhanh thì sẽ khiến mắt bị khô, gây bệnh khô mắt.
Ngoài ra, cho dù lượng nước mắt tiết ra đầy đủ và chất lượng nước mắt tốt, nhưng người bệnh lại mắc một số bệnh như viêm bờ mi, trứng cá đỏ… sẽ gây nên những xáo trộn ở lớp mỡ và lớp nhầy thì cũng sẽ khiến mắt bị khô.
Trên đây là cơ chế dẫn tới tình trạng mắt bị khô. Tiếp theo, chúng tôi sẽ giúp bạn nắm được những nguyên nhân và yếu tố thuận lợi khiến chúng ta bị khô mắt.
Nguyên nhân gây khô mắt là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây khô mắt, có thể kể đến như:
Do thói quen sinh hoạt và làm việc
Đối với nhân viên văn phòng, những lập trình viên, những người chơi game nhiều giờ... với đặc thù là nhìn vào màn hình máy tính liên tục sẽ dễ bị khô mắt. Bởi việc tập trung nhìn vào màn hình khiến mắt phải điều tiết quá nhiều, đồng thời khi quá tập trung họ sẽ quên mất việc chớp mắt.
Làm việc trước máy tính liên tục gây khô mắt
Do ảnh hưởng của môi trường sống và làm việc
Việc không khí môi trường có độ ẩm quá thấp hoặc nhiều gió cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình bốc hơi của nước mắt. Vì vậy, khi mùa hanh khô đến, hoặc với những nơi có thời tiết nhiều gió như gần biển, người thường xuyên ở trong phòng điều hòa thì đều dễ bị khô mắt.
Khô mắt do tuổi tác
Trước sự tác động của tuổi tác hay sự lão hóa, các tuyến lệ hoạt động kém dần đi khiến lượng nước mắt tiết ra giảm và gây khô mắt. Vì vậy, người lớn tuổi, đặc biệt những người trên 60 tuổi, cần có chế độ chăm sóc đôi mắt tích cực hơn những người trẻ.
Khô mắt sau khi mổ lasik chữa cận thị
Đối với những người có thực hiện mổ lasik chữa cận thị hoặc người phải sử dụng kính áp tròng thường xuyên như người mẫu ảnh... cũng có nguy cơ bị khô mắt.
Do tác dụng phụ một số loại thuốc gây khô mắt
Một số loại thuốc điều trị điển hình như: Thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc tránh thai … có thể gây ra khô mắt.
Khô mắt do một số bệnh lý
Khô mắt có thể là hậu quả của một số tình trạng viêm nhiễm ở mắt như bệnh viêm mi mắt, viêm kết mạc… Những bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì và rối loạn tuyến giáp... cũng gây ra khô mắt, đỏ mắt...
Chữa khô mắt bằng cách nào?
Điều trị khô mắt chủ yếu là kết hợp giữa điều chỉnh chế độ sinh hoạt, làm việc, bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp và dùng nước nhỏ mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định các thuốc điều trị bệnh lý nguyên nhân gây khô mắt (nếu có). Cụ thể:
- Dùng nước nhỏ mắt: Để cải thiện tình trạng khô mắt, bạn nên dùng nước nhỏ mắt có tính chất tương tự như nước mắt.
- Bổ sung các chất cần dinh dưỡng cần thiết: các chất như vitamin E, C, B2, kẽm, selenium, đặc biệt là omega-3 và vitamin A sẽ giúp cải thiện tình trạng khô mắt hiệu quả. Người bệnh nên tăng cường bổ sung những loại thực phẩm giàu omega 3 (như cá hồi, cá mòi, cá ngừ...) và vitamin A (như cà chua, cà rốt, ớt chuông...) trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân dùng viên dầu cá với hàm lượng omega-3 cao.
Bổ sung thực phẩm giàu omega-3
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt:
- Tập thói quen chớp mắt chậm và đều (khoảng 12-18 lần/phút) giúp nước mắt dàn đều, từ đó giúp làm ẩm cho giác mạc.
- Bảo vệ mắt trước bụi và ánh sáng bằng cách đeo kính râm khi đi ra ngoài.
- Không để máy sấy, máy lạnh hay quạt thổi trực tiếp vào mắt.
- Không thức khuya, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi tốt nhất.
- Không hút thuốc hoặc hoặc không để khói thuốc dính trực tiếp vào mắt
- Khi làm việc với máy tính, cần lưu ý để mắt cao hơn trung tâm màn hình máy tính từ 10-20cm, giữ khoảng cách tối thiểu từ màn hình đến mắt là 50cm, thường xuyên chớp mắt, thỉnh thoảng nên nhắm chặt mắt và xoay tròn để điều tiết chất nhờn tốt hơn.
Khi thực hiện theo các phương pháp trên, tình trạng khô mắt của bạn sẽ được cải thiện hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp khô mắt do nguyên nhân do bệnh lý, bạn cần đi khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa mắt. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Thủy đậu lây qua đường nào? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- Bệnh vảy nến: Cách nhận biết và điều trị hiệu quả