Sau cuộc sinh mệt nhọc, lần đầu tiên nhìn thấy mặt con các bà mẹ không khỏi lo lắng khi nhìn thấy trên đỉnh đầu của cháu có một khối sưng to như quả trứng gà. Vậy khối sưng này là gì? Nguyên nhân do đâu? Có biến chứng gì không? Theo dõi và điều trị như thế nào? Khi nào cần đưa cháu đến bệnh viện? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Khối sưng đó là gì và nguyên nhân do đâu?
Khối sưng trên đỉnh sau đầu của trẻ sơ sinh thường có hai dạng: (1) Khối sưng do sự phù nề của da đầu; (2) Khối sưng do máu tụ dưới da đầu. Cả hai trường hợp đều do chấn thương da đầu do áp lực xảy ra trong quá trình sinh.
- Khối sưng do sự phù nề của da đầu thường kèm theo hiện tượng chồng sọ. Sọ của các cháu sơ sinh được cấu tạo bởi nhiều mảnh xương nhỏ. Nơi các xương gặp nhau gọi là khớp sọ. Dưới tác động của áp lực do sinh khó hoặc do dụng cụ giúp sinh tạo nên làm cho da đầu bị phù nề và có thể kèm theo hiện tượng các xương sọ chồng lên nhau, khi sờ không còn thấy khớp sọ.
- Khối sưng do máu tụ dưới da đầu là do các mạch máu nhỏ dưới da đầu bị vỡ, máu chảy và tụ lại dưới da đầu và tạo thành một khối. Não không bị tổn thương.
Khối sưng xuất hiện khi nào và sẽ biến mất trong bao lâu?
Khối sưng này thường xuất hiện vài giờ sau sinh và thường tự biến mất sau vài tuần đến vài tháng mà ít khi để lại di chứng.
Khối sưng trên da đầu có thể có những biến chứng gì?
Khi thấy cháu có khối sưng trên đỉnh đầu cần kiểm tra các biến chứng sau:
-
Gãy xương sọ: thường tự lành mà không có vấn đề gì.
-
Thiếu máu: gặp trong trường hợp khối máu tụ to do mất một lượng máu khá lớn.
-
Vàng da: do lượng máu tụ trên da đầu thoái biến thành bilirubin - chất gây vàng da ở trẻ sơ sinh.
-
Một số rất ít trường hợp có biến chứng nặng máu chảy vào trong não hoặc chấn thương não do vỡ xương sọ.
-
Một số trường hợp nơi máu bị can-xi hóa thành một cục cứng trên da đầu.
Điều trị như thế nào?
Đa số trường hợp không cần điều trị gì. Nếu nghi ngờ gãy xương sọ có thể chụp X-quang kiểm tra và thực hiện số xét nghiệm khác. Vàng da do máu tụ thường nhẹ, chỉ cần theo dõi. Nếu trẻ bị vàng da nặng sẽ được chiếu đèn.
Khi nào nên đưa bé đến bệnh viện?
Phụ huynh cần đưa cháu đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra khi thấy cháu có một trong những biểu hiện sau:
-
Khối sưng không giảm dần sau khi xuất viện về nhà.
-
Bé bị vàng da.
-
Bé bị kích thích, quấy khóc liên tục không dỗ được.
Qua bài viết chúng ta biết thêm được hiện tượng khối sưng trên đỉnh đầu trẻ sơ sinh. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc. Nếu có bất cứ thắc mắc nào mời quý bạn đọc gọi tới số hotline miễn phí 18001044 để được hỗ trợ.
XEM THÊM: