Có không ít trường hợp bệnh nhân khi mới nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đã vô tư mượn đơn thuốc của người khác về sử dụng gây ra hậu quả nặng nề.
PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết, việc sử dụng đơn thuốc của người khác để điều trị bệnh ĐTĐ của mình là điều không đúng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề các bác sĩ rất hay gặp phải khi điều trị chẳng hạn như vợ dùng chung đơn thuốc với chồng, bạn bè dùng đơn thuốc cùng nhau… Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khiến người bệnh dễ gặp biến chứng tiểu đường hoặc gặp phải các tác dụng khác của thuốc mà không thể lường trước được.
Theo PGS. Vân, mỗi cơ thể con người là khác nhau, khác nhau về giới tính, khác nhau về lứa tuổi, về thời gian bị bệnh đái tháo đường, khác nhau về biến chứng, về bệnh lý đi kèm… Đó là chưa kể đến trong vấn đề cá nhân hóa người bệnh, mỗi người bệnh có đặc điểm khác nhau và mỗi người bệnh ĐTĐ như thế thì có mục tiêu điều trị khác nhau
“Sai lầm thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường là người bệnh hiểu không đúng đắn về thuốc điều trị của mình, hễ nghe ai nói về thuốc hay thì lập tức mua về trị bệnh dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, điều trị bệnh ĐTĐ là vấn đề rất phức tạp, việc dùng thuốc nếu không đủ liều lượng sẽ không kiểm soát được đường máu. Ngược lại nếu thuốc quá liều so với người bệnh ĐTĐ dễ dẫn đến hạ đường huyết, nếu không phát hiện kịp thời dễ gây ra các di chứng, thậm chí để lại di chứng tổn thương não không hồi phục”- PGS. Vân cảnh báo.
XEM THÊM: Tầm soát tiểu đường ở người khỏe mạnh
Cẩn trọng nếu gia đình có người mắc đái tháo đường
PGS. Vân cho biết, khi một người mới được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra tổng thể, xác định rõ mức độ đường máu như thế nào, có biến chứng gì chưa, có bệnh lý đi kèm hay không… Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra mục tiêu điều trị, kê thuốc điều trị phù hợp với bệnh nhân. Ví dụ như người có bệnh ĐTĐ đi kèm bệnh suy chức năng thận thì với trường hợp này, việc dùng thuốc không đúng rất dễ dẫn suy thận nặng lên.
Để phòng tránh bệnh ĐTĐ, theo PGS. Vân, cần quan tâm đến yếu tố tiền căn về gia đình. Cụ thể, nếu gia đình có ông bà, bố mẹ mắc bệnh ĐTĐ thì với phụ nữ, cần thiết tầm soát ĐTĐ thai kỳ, và tầm soát mỗi năm một lần. Còn với nam giới ngoài 40 tuổi cũng nên tầm soát mỗi năm một lần để có thể phát hiện sớm bệnh ĐTĐ.
Ở những người không có yếu tố tiền căn gia đình, PGS. Vân khuyến cáo, cần tránh các yếu tố nguy cơ dễ gây bệnh ĐTĐ như tình trạng béo phì (đặc biệt là béo bụng), chế độ ăn quá nhiều, ít vận động, stress…. Đây chính là các yếu tố làm bệnh ĐTĐ đến sớm hơn.
Trước thực tế hiện nay, bệnh ĐTĐ có dấu hiệu trẻ hóa, PGS. Vân cho rằng, việc trẻ hóa bệnh ĐTĐ liên quan nhiều đến lối sống, áp lực công việc, trẻ học nhiều, ít vận động, làm việc máy tính ngồi nhiều tập trung cao độ… cũng là những yếu tố khiến người trẻ tuổi gặp phải bệnh ĐTĐ.
Một việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng đó là khám sức khỏe định kỳ. Theo PGS. Vân, với một xét nghiệm máu rất nhỏ nhưng dưới con mắt của các bác sĩ chuyên khoa có thể nhìn ra những rối loạn ban đầu thông qua hỏi bệnh để biết những yếu tố nguy cơ. Lúc này, việc điều trị tiền ĐTĐ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
XEM THÊM: Trút được nỗi lo biến chứng tiểu đường nhờ thảo dược