Mục lục [Ẩn]
Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong đó, suy tim được đánh giá là tình trạng đáng báo động, cần có chẩn đoán y tế sớm. Tỷ lệ sống sót và tuổi thọ của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào điều đó.
Vậy, bệnh suy tim sống được bao lâu? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Mắc bệnh suy tim sống được bao lâu?
Người bệnh suy tim sống được bao lâu?
Suy tim xảy ra khi chức năng bơm máu của tim đến các cơ quan bị giảm sút. Tình trạng này xuất hiện sau khi tim bị tổn thương bởi bệnh tật và rối loạn của con người. Nhìn chung, đây là hệ quả nghiêm trọng nhất của các bệnh tật, điển hình là bệnh mạch vành.
Suy tim đang là gánh nặng y tế tại nhiều quốc gia do tỷ lệ mắc và tử vong cao. Khoảng 200 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với căn bệnh này, và hàng chục triệu người không qua khỏi mỗi năm.
Tại Việt Nam, số người mắc suy tim là khoảng 1,6 triệu, và khoảng 300.000 ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, con số này được dự đoán vẫn sẽ gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới đây.
“Người bệnh suy tim sống được bao lâu?” luôn nhận được sự chú ý của nhiều nghiên cứu khác nhau. Một thống kê ở Vương quốc Anh cho thấy, số người tử vong vì suy tim tại quốc gia này không cải thiện mấy từ năm 1988. Trong khi đó, số người tử vong vì ung thư thì đã giảm đến 40%.
Một nghiên cứu khác cho thấy, khoảng 50% số người suy tim sẽ tử vong sau 5 năm được chẩn đoán. Gần 30% số người tử vong sau 1 năm, và khoảng 15% tử vong sau 1 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ mang tính tương đối, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn đang có xu hướng gia tăng
Yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội sống của người bệnh suy tim
Vấn đề: “Người bệnh suy tim sống được bao lâu?” sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, thể trạng, giai đoạn phát triển suy tim, các bệnh mắc kèm đóng vai trò rất lớn. Cụ thể như sau:
Tiên lượng sống theo giai đoạn bệnh
Suy tim được chia thành 4 giai đoạn, dựa theo mức độ ảnh hưởng của bệnh đến người mắc. Càng ở giai đoạn nặng, cuộc sống của người bệnh càng bị ảnh hưởng, và tiên lượng sống càng thấp. Theo đó:
- Ở giai đoạn A (tiền suy tim): Người bệnh được chẩn đoán là có nguy cơ suy tim do bệnh lý nền hoặc tiền sử gia đình. Nếu được chăm sóc sức khỏe tốt trong giai đoạn này, 97% người bệnh sẽ sống trên 5 năm.
- Ở giai đoạn B: Người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng, nhưng có thay đổi trong cấu trúc tim. Các vấn đề này có thể là hở van tim, hẹp van, bệnh mạch vành, hay rối loạn nhịp tim.
Nếu được chẩn đoán sớm và chăm sóc tốt, 95.7% người bệnh sẽ sống được trên 5 năm.
- Ở giai đoạn C: Người bệnh đang hoặc đã từng có những triệu chứng của suy tim trên lâm sàng. Các triệu chứng này có thể là: khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi, sưng bàn chân, cẳng chân,...
Lúc này, khoảng 74,6% người bệnh có thể sống trên 5 năm, nếu tuân thủ tốt việc điều trị.
- Ở giai đoạn D: Đây là giai đoạn cuối cùng của suy tim. Việc điều trị không còn đem lại hiệu quả tốt. Người bệnh phải nhập viện thường xuyên, và cần dùng nhiều thuốc, thiết bị hỗ trợ, hoặc ghép tim.
Tiên lượng sống ở giai đoạn này không cao. Chỉ có khoảng 20% người bệnh sống được trên 5 năm.
Người bệnh suy tim giai đoạn cuối thường có tiên lượng sống không cao
Tiên lượng sống theo tuổi
Đối tượng bị suy tim nhiều nhất thường là người lớn tuổi, từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, số người trẻ mắc bệnh từ 20 tuổi trở lên cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, tiên lượng sống do suy tim sẽ thấp dần khi tuổi tác tăng lên.
Nhiều thống kê cho thấy, khoảng 78% số người dưới 65 tuổi bị suy tim sống được trên 5 năm. Trong khi đó, con số này ở người từ 75 tuổi trở lên chỉ là 49%. Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ tử vong ở người dưới 44 tuổi cũng vẫn ở mức khá cao. Có đến 27,7% trường hợp tử vong sau 5 năm được chẩn đoán.
Tiên lượng sống theo phân suất tống máu
Phân suất tống máu (Ejection Fraction - EF) cũng là một chỉ số quan trọng trong đánh giá bệnh tim mạch. Phân suất tống máu giảm có liên quan đến nguy cơ tử vong do suy tim. Trong đó, người suy tim tâm thu có nguy cơ tử vong cao hơn so với suy tim tâm trương.
Một nghiên cứu 37 tháng đã đánh giá tỷ lệ tử vong dựa trên phân suất tống máu thất trái (LVEF). Theo đó, nguy cơ tử vong do suy tim lên đến 51% khi LVEF giảm dưới 15%. Với người có LVEF từ 35 - 45%, thì nguy cơ tử vong giảm đến gần một nửa, là 25,6%.
Tiên lượng sống theo bệnh mắc kèm
Tỷ lệ tử vong do suy tim bị ảnh hưởng đáng kể bởi các bệnh lý mắc kèm. Các tình trạng như: Béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,... có thể đẩy nhanh sự phát triển của suy tim.
Một số thống kê cho thấy, sự hiện diện của tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ tử vong do suy tim lên 28%. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng làm tăng nguy cơ tử vong do suy tim thêm 16%.
Phổi tắc nghẽn mãn tính làm tăng nguy cơ tử vong do suy tim
Một số yếu tố khác
Ngoài những yếu tố trên, sức bền và chế độ dinh dưỡng cũng có tác động nhất định đến sự phát triển của suy tim. Theo đó, suy giảm khả năng gắng sức có liên quan đến tỷ lệ tử vong gia tăng. Với người suy tim bị giảm khả năng gắng sức, tỷ lệ sống sau 3 năm là 57%. Trong khi đó, người có khả năng gắng sức bình thường là khoảng 93%.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, sử dụng các thực phẩm tốt cho tim mạch cũng giúp làm tăng tuổi thọ cho người bệnh. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng kém sẽ khiến cho bệnh suy tim tiến triển nhanh hơn.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về vấn đề “bệnh suy tim sống được bao lâu?”. Nếu có băn khoăn về các vấn đề sức khỏe, quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: