Mục lục [Ẩn]
Việc thực hiện đến 500 chức năng khác nhau đã biến lá gan trở thành một cơ quan đặc biệt quan trọng với mỗi người. Chính vì thế, chức năng gan suy giảm sẽ khiến toàn bộ hoạt động của cơ thể bị xáo trộn, thậm chí là dẫn đến những kết cục chẳng ai mong muốn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các giai đoạn, dấu hiệu nhận biết, cũng như cách phòng ngừa suy gan nhé!
Suy gan - Các giai đoạn, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
Suy gan phát triển qua những giai đoạn nào?
Suy gan là tình trạng chức năng của gan giảm sút do các tế bào gan bị tổn thương và mất đi khả năng hoạt động vốn có. Suy gan được chia thành hai loại là cấp tính và mãn tính. Suy gan cấp xảy ra khi các tế bào gan chết đi một cách ồ ạt. Trong khi đó, ở suy gan mãn, các tế bào lại chết dần theo thời gian, kéo dài trong nhiều tháng đến nhiều năm.
Các tế bào gan chết đi càng nhiều thì, chức năng của gan càng giảm sút nghiêm trọng, thậm chí là mất hoàn toàn. Đây chính là hệ quả tồi tệ nhất của suy gan mà chẳng có bất kỳ ai muốn gặp phải. Tuy nhiên, trước đó, suy gan mãn tính sẽ đi qua nhiều giai đoạn như:
Viêm gan
Đây là giai đoạn đầu tiên của suy gan. Lúc này, gan bắt đầu bị viêm và hoạt động yếu hơn bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng không rõ ràng và rất mờ nhạt, nên người bệnh sẽ không nhận biết được. Các tác nhân gây viêm gan có thể kể đến là:
- Nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E, G hoặc virus EBV, virus herpes,...
- Nhiễm ký sinh trùng sốt rét, amip.
- Hệ miễn dịch tấn công các tế bào gan.
- Uống rượu, bia nhiều, hút thuốc lá thường xuyên.
- Tác dụng phụ của các loại thuốc.
Xơ hóa
Khi tình trạng viêm gan không được điều trị, các mô sẹo sẽ bắt đầu hình thành tại đây. Khi các mô sẹo xuất hiện nhiều sẽ khiến gan bị xơ hóa. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, kích thước của các mô sẹo cũng lớn hơn. Diện tích các mô sẹo càng nhiều, thì chức năng gan sẽ càng suy giảm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các tế bào gan khỏe mạnh vẫn còn hoạt động thay thế được cho các tế bào đã bị tổn thương, nên người bệnh vẫn khó có thể nhận biết các triệu chứng của suy gan.
Xơ gan
Cho đến lúc này, các mô sẹo đã chiếm được phần lớn cấu trúc của gan, diện tích của các mô lành không còn lại bao nhiêu. Các tế bào khỏe mạnh đã không còn khả năng “gồng gánh” cho các tế bào mất chức năng. Điều này khiến cho gan mất đi phần lớn các chức năng vốn có.
Đồng thời, các chất độc cũng tích tụ lại nhiều hơn khiến gan ngày càng bị hư hại nghiêm trọng và tiến triển thành xơ gan. Chính lúc này, các triệu chứng mới bắt đầu bộc lộ rõ ràng.
Xơ gan là giai đoạn chức năng gan suy giảm đáng kể
Suy gan giai đoạn cuối
Khi tiến vào giai đoạn cuối của bệnh gan, các triệu chứng trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Thậm chí, người bệnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng khác nhau do chức năng gan gần như không còn. Các biến chứng nguy hiểm nhất phải kể đến là bệnh não gan và nguy cơ ung thư gan cũng tăng lên đáng kể. Lúc này, ghép gan có thể là hy vọng cuối để kéo dài sự sống cho người bệnh.
Các dấu hiệu của suy gan mà bạn không nên bỏ qua
Với suy gan cấp tính, các triệu chứng sẽ xuất hiện khá rầm rộ và dễ nhận biết. Các dấu hiệu điển hình có thể kể đến như: vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải, chảy máu dưới da và niêm mạc, nôn hoặc đại tiện ra máu, tụ dịch trong ổ bụng, rối loạn chức năng vận động và nhận thức,....
Còn với suy gan mãn tính, như đã nhắc đến, trong giai đoạn đầu, những triệu chứng của suy gan khá mờ nhạt và chỉ thực sự rõ ràng khi bệnh tiến vào giai đoạn nặng.
- Triệu chứng suy gan trong giai đoạn xơ gan còn bù: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, giảm khối lượng cơ bắp, đau âm ỉ vùng bụng phải, đầy hơi, chướng bụng, dễ bầm tím không rõ nguyên nhân, nổi mề đay, mẩn ngứa,...
- Triệu chứng suy gan trong giai đoạn xơ gan mất bù: Vàng da và mắt do tích tụ bilirubin, nước tiểu sẫm màu, cổ trướng, đi ngoài phân đen, nôn ra máu, choáng, mất ý thức, lú lẫn, run rẩy, hôn mê,...
Phòng ngừa suy gan bằng cách nào?
Biện pháp phòng ngừa suy gan sẽ tập trung vào việc ngăn chặn các nguyên nhân gây viêm gan, thực hiện lối sống lành mạnh và kiểm soát các bệnh lý có sẵn, không để xơ gan tiến triển. Cụ thể:
- Không tiếp xúc với tác nhân có thể gây viêm gan như: Rượu, bia, thuốc lá, các loại thuốc, tiêm vacxin phòng virus viêm gan, quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung kim tiêm, hay các vật dụng cắt móng, bấm lỗ tai, dụng cụ xăm mình,...
- Kiểm soát các bệnh lý đi kèm bằng cách thăm khám thường xuyên, sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Với người bệnh bị gan nhiễm mỡ không do rượu thì cần giảm cân, kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết,...
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách sử dụng các thực phẩm tốt cho gan, tập thể dục đều đặn, thải độc gan thường xuyên, không ăn các thực phẩm hư hỏng, ôi thiu, nhiễm hóa chất,...
Các loại thực phẩm tốt cho gan
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về các giai đoạn, dấu hiệu nhận biết, cũng như cách phòng ngừa suy gan hiệu quả. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Viêm cầu thận - Những điều bạn cần biết để phòng ngừa
- 5 thông tin cần biết để cải thiện bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả